Liên quan đến nội dung phóng viên liên hệ trước đó, làm việc với Sở Nội vụ Tuyên Quang về việc theo kế hoạch công tác thanh tra nội vụ năm 2016 và kết luận thanh tra của sở này đối với 4 đơn vị hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Ngày 11/12/2017, được sự phân công của Ban Biên tập, phóng viên đã liên hệ với ông Lê Văn Minh, Chánh Văn phòng Sở Nội vụ. Đặt lịch làm việc kèm nội dung trao đổi trực tiếp với ông Minh. Tại đây, phóng viên có xuất trình Giấy giới thiệu cùng một số giấy tờ liên quan và được ông Minh trao đổi sẽ liên hệ lại sau khi xin ý kiến của lãnh đạo sở.
Sau nhiều lần liên hệ lại, trao đổi qua điện thoại, ông Minh hẹn lịch vào 14h ngày 26/12/2017, phóng viên sẽ làm việc với ông Trần Nam Phong, Phó giám đốc và bà Trịnh Như Hoa, Phó chánh Thanh tra Sở Nội vụ.
Có mặt tại trụ sở Sở Nội vụ Tuyên Quang, qua trao đổi trước với ông Minh và bà Hoa, phía bà Hoa có yêu cầu phóng viên xuất trình thẻ nhà báo thì mới làm việc. “Anh Phong được Giám đốc ủy quyền, trước khi thực hiện việc này, có giao cho anh Minh, Chánh Văn phòng và tôi làm việc trước với phóng viên. Trước khi lên làm việc với lãnh đạo, đề nghị phóng viên xuất trình thẻ nhà báo”, bà Hoa nói.
(Hình minh họa)
Phóng viên có giải thích với bà Hoa về việc chưa được cấp thẻ nhà báo và nói rằng "giấy giới thiệu và một số giấy tờ liên quan là đủ điều kiện làm việc với đơn vị", nhưng vị này không đồng ý.
Để khẳng định việc này, bà Hoa nêu ra một số nội dung của Luật Báo chí và nói "phóng viên phải có thẻ nhà báo mới đủ điều kiện làm việc".
Được biết, ông Trần Nam Phong, Phó giám đốc Sở Nội vụ là người yêu cầu phải có thẻ nhà báo mới làm việc. Sau đó, phóng viên đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với ông Phong, tuy nhiên, không có thông tin phản hồi lại.
Trao đổi với phía cơ quan Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang, một cán bộ lãnh đạo cho biết: Chúng tôi tiếp thu ý kiến và cho xác minh lại việc Sở Nội vụ yêu cầu phải có thẻ nhà báo mới làm việc với cơ quan báo chí. Nội dung này, chúng tôi sẽ báo cáo với Ban Tuyên giáo qua cuộc họp giao ban báo chí.
Chẳng hay, việc yêu cầu phải có thẻ nhà báo mới làm việc với phóng viên của phía lãnh đạo Sở Nội vụ Tuyên Quang, có đúng với quy định của pháp luật?
Nghị định 159 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) mở rộng đối tượng được bảo vệ trong khi tác nghiệp báo chí, bao gồm hai đối tượng “nhà báo” và “phóng viên”. Nhà báo là người hoạt động báo chí, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ. Phóng viên là những người hoạt động báo chí, đưa tin bài, chụp ảnh, được cơ quan báo chí cử đi tác nghiệp báo chí mà chưa có thẻ nhà báo.
Trong Nghị định 159, Điều 7 về Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí, ghi rõ:
"Khoản 1, phạt tiền từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.
Khoản 2, phạt tiền từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.
Khoản 3, phạt tiền đến 20.000.000 - 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động của nhà báo, phóng viên; Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
Luật Báo chí năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017), quy định tại khoản 12, điều 9: Nghiêm cấm hành vi “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”...".
Tuấn Anh