THCL 4 doanh nghiệp niêm yết đang hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông gồm HUT, CTI, HTI và CII, đều "ăn nên làm ra" nhờ các trạm thu phí BOT tải từ Bắc vào Nam.

Báo cáo tài chính năm 2015 cho thấy cả 4 công ty này đều “ăn nên làm ra” với các trạm thu phí BOT rải từ Bắc vào Nam. Do vậy, mặc dù hạ tầng giao thông không phải là lĩnh vực kinh doanh duy nhất, nhưng các doanh nghiệp đều chú trọng đến lĩnh vực này trong kế hoạch kinh doanh năm 2016 và các năm tới.

CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh ( CII ):

Hiện doanh thu từ phí cầu đường của CII đến từ 3 trạm thu phí BOT cầu Rạch Chiếc, BOT cao tốc Phan Rang – Tháp Chàm (giai đoạn 1 và 2) và BOT quốc lộ ĐT 741.

Tình hình thu phí qua các năm của CII. Nguồn: CII.

Dự án BOT Phan Rang -Tháp Chàm giai đoạn 2: Có tổng mức đầu tư 1.241 tỷ đồng dự kiến thu phí từ quý II/2016. Mặt khác, dự án BOT cầu Bình Triệu giai đoạn 2 vẫn chưa hoàn chỉnh phương án cuối cùng, CII vẫn đang tiếp tục xin chủ trương của UBND TP HCM.

Dự án BOT thu phí trạm ĐT 741 (Bình Dương): thuộc quyền sở hữu của CII kể từ cuối quý I/2015 thông qua việc CII mua lại 100% vốn tại công ty TNHH Đầu tư Hạ tầng Cao su Việt Nam. Dự án này đã hoàn tất giai đoạn 1 và chuẩn bị thi công giai đoạn 2 từ Cổng Xanh đến ngã ba huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, dài 21 km. Tổng thời gian thu phí của dự án này là 27 năm 3 tháng kể từ quý III/2006.

Gần đây, CII đã thành lập một công ty con với mục đích nghiên cứu dự án đường cao tốc trên cao dẫn tới sân bay có tên gọi Cty TNHH Đầu tư đường trên cao số 1, trong đó tỷ lệ tham gia góp vốn của CII là 80%. Dự án có chiều dài 10,8 km với 4 làn đường. Tổng vốn đầu tư là khoảng 16 nghìn tỉ đồng, tương đương 1,48 nghìn tỉ đồng/km. Đây sẽ là dự án BOT và CII dự kiến sẽ tìm kiếm nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài để hỗ trợ triển khai dự án nếu thắng thầu.

CII cũng đang đầu tư vào 3 dự án khác, bao gồm dự án xa lộ Hà Nội mở rộng, BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và BOT cầu Rạch Miễu (giai đoạn 2). Những dự án này sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu và lợi nhuận từ 2018-2019.

Mảng thu phí giao thông có vai trò quan trọng trong cơ cấu doanh thu của CII. Nguồn: CII.

Theo báo cáo của CII, 2 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ trạm thu phí Rạch Miễu đạt 28,52 tỉ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận Idico ( CTI ):

Tính đến năm 2016, CTI thu phí trên 3 tuyến đường huyết mạch với lưu lượng xe lưu thông cao là quốc lộ 1A, quốc lộ 91 và tỉnh lộ 16. Tổng doanh thu phí BOT 2016 được dự báo đạt 563 tỉ đồng.

Ngoài 2 dự án BOT hiện tại, năm 2016, công ty dự kiến đưa vào vận hành 2 trạm thu phí quốc lộ 91A, 91B Cần Thơ-An Giang, năm 2017 đưa vào vận hành trạm thu phí Đường vận chuyển vật liệu xây dựng và nút giao 319 nối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Công ty cũng đang đàm phán mua lại 49% quyền thu phí tại quốc lộ 51.

Nếu thành công, CTI và các công ty con sẽ vận hành 6 tuyến đường thu phí BOT với 9 trạm thu phí, doanh thu ước tính hàng năm lên tới hơn 1.000 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với 3 doanh nghiệp niêm yết là HTI , HUT và CII.

CTI đặt kế hoạch kinh doanh 2016 tăng trưởng vượt bậc so với 2015 nhờ vào giá vé tại QL1A tăng bình quân 70% so với 2015 (đã tăng từ 6-1-2016). Tại dự án quốc lộ 91, CTI bắt đầu thu phí trạm 1 từ tháng 4-2016, trạm 2 dự kiến thu từ tháng 7-2016.

Theo kế hoạch năm 2016, CTI sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào các dự án BOT/BT với tổng mức đầu tư khoảng 1.175 tỉ đồng trong đó chủ yếu là Nút giao 319.

CTI đang đàm phán xây dựng cầu vượt Tân Phong (Biên Hòa, Đồng Nai) có giá trị khoảng 700 tỉ đồng và sẽ thu phí thông qua trạm thu phí hiện hữu của Tỉnh lộ 16. Công ty cũng đang đàm phán mua lại phần vốn chủ sở hữu của Tổng IDICO, giá trị 200 tỉ đồng, tương đương với 49% tại dự án Quốc lộ 51 mở rộng, có tổng mức đầu tư 3.971 tỉ đồng. Gồm 3 trạm: T1 Long Thành; T2 Nhơn Trạch; T3 Long Sơn.

Công ty cổ phần Tasco (HUT):

Theo báo cáo tài chính năm 2015 của CTCP Tasco, công ty đã góp vốn liên danh vào hàng loạt công ty liên kết và thành lập các công ty con để phục vụ cho các dự án BOT gồm:

Góp vốn liên danh Công ty TNHH BOT Hùng Thắng Phú Thọ để thực hiện dự án BOT quốc lộ 32 ( Phú Thọ) với giá trị 69 tỷ đồng;

Dự án BOT Quảng Bình tổng mức đầu tư 2.005 tỉ đồng, dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác trước 7 tháng so với Hợp đồng BOT đã ký với Bộ GTVT. Đến 31-12-2015, giá trị lũy kế đầu tư vào dự án đạt 1.652 tỉ đồng;

Dự án BOT 39 Thái Bình có tổng mức đầu tư 550 tỉ đồng, dự án sẽ bàn giao và đưa vào khai thác trong quý II/2016. Giá trị thực hiện dự án đến 31-12-2015 đạt 248,54 tỉ đồng;

Dự án BOT Đông Hưng có tổng mức đầu tư 433 tỉ đồng, đây là tiểu dự án của BOT10, hiện đã được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức 434,207 tỉ đồng. Dự án đã khởi công trong tháng 11-2015, hiện đang triển khai giải phóng mặt bằng, dự kiến thi công xong và đưa vào khai thác trước tháng 7-2017;

Dự án BOT quốc lộ L10 đoạn cầu Quán Toan đến Cầu Nghìn, Hải Phòng. Tasco phấn đấu giải phóng mặt bằng xong toàn bộ dự án trước 30-6-2016.

Dự kiến hoàn thành, thông xe và bắt đầu thu phí trong tháng 7-2017, trước 6 tháng so với quy định trong hợp đồng BOT đã ký với bộ GTVT.

CTCP Đầu tư Phát triển hạ tầng IDICO (HTI):

Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO cho biết đang chờ Sở Giao thông vận tải TP HCM xem xét đề xuất cho công ty này lắp đặt 41 camera giám sát giao thông trên tuyến quốc lộ 1, đoạn từ nút giao An Sương đến vòng xoay An Lạc, qua các quận huyện 12, Bình Tân, và Hóc Môn.

41 bộ camera giám sát giao thông này kết nối với hệ thống đường truyền dữ liệu chung của thành phố, phương án vốn gần 33,4 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Công ty đề xuất tăng mức thu phí tại trạm thu phí An Sương - An Lạc mà công ty đang quản lý để hoàn vốn.

Tuy nhiên, đề xuất này chưa được Sở Giao thông vận tải TP thông qua.

Theo Nguyễn Tuân (Infonet)