Vị trí địa lý thuận lợi
Nằm ở phía Nam tỉnh Thái Nguyên, Sông Công có các tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua, nối với Thủ đô Hà Nội và thành phố Thái Nguyên. Đây là điều kiện rất thuận lợi để đẩy mạnh giao thương với các vùng kinh tế ở phía Bắc Hà Nội và phía Nam vùng trung du miền núi phía Bắc với trung tâm là thành phố Thái Nguyên và các vùng kinh tế Tam Đảo - Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Sau 34 năm hình thành và phát triển, càng ngày Sông Công càng khẳng định được vị thế và vai trò của một thành phố công nghiệp, là một trong những trung tâm hành chính - kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh. Đồng thời, nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa trung du và miền núi, Sông Công còn là đầu mối giao thông, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của vùng Đông Bắc Bắc Bộ.
Trong những năm qua, đặc biệt là khoảng chục năm trở lại đây, Sông Công có những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực kinh tế. Cơ cấu kinh tế cũng dần chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ. Diện mạo đô thị thay đổi từng ngày, sạch, đẹp, hiện đại và văn minh. Cú hích của sự thay đổi này chính là chính sách thu hút nhà đầu tư của tỉnh Thái Nguyên nói chung và thành phố Sông Công nói riêng.
Mục tiêu trở thành đô thị loại II vào năm 2020 của Sông Công không chỉ nâng tầm vị thế cho địa phương, mà còn tạo đà để thành phố tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới đã đến rất gần
Một trong những công việc mà lãnh đạo địa phương đã kiên quyết thực hiện một cách triệt để là đổi mới thủ tục hành chính, cắt giảm những thủ tục rườm rà, triển khai chế độ một cửa liên thông,... Bên cạnh đó, thành phố luôn phối hợp chặt chẽ với các sở ban ngành và nhà đầu tư thúc đẩy nhanh các thủ tục, hồ sơ pháp lý; khẩn trương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng và sử dụng đất; thực hiện nghiêm túc các cam kết của tỉnh, thành phố trong việc giao đất, định giá đất dự án...
Ưu đãi hấp dẫn cho các nhà đầu tư
Ngoài cơ chế ưu đãi theo quy định của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên còn xây dựng chế độ ưu đãi riêng hấp dẫn cho các nhà đầu tư như: hỗ trợ đầu tư công trình ngoài hàng rào; đối với những dự án lớn và có ý nghĩa quan trọng, chính quyền tỉnh Thái Nguyên sẽ cùng phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu, trình Chính phủ cho áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt.
Lãnh đạo địa phương còn thể hiện tinh thần “rải thảm đỏ” tới các nhà đầu tư khi: Thành lập đường dây nóng tới Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp; Cam kết hỗ trợ và tạo điều tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất kinh doanh, điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Cam kết bảo đảm an ninh trật tự ngoài hàng rào doanh nghiệp, KCN và CCN, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo người lao động, cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và tổ chức kỷ luật; Cam kết cung cấp đủ điện 24/24 giờ cho các doanh nghiệp, đầu tư lưới điện đến chân hàng rào dự án cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại các KCN, CCN; Cam kết hỗ trợ tốt nhất công tác giải phóng mặt bằng, áp dụng chính sách ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp trong khung của Chính phủ về miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước...
Thực hiện tinh thần cầu thị của Thái Nguyên, hoạt động thu hút đầu tư cả tỉnh và thành phố Sông Công có nhiều khởi sắc. Ngay từ năm 2011, đã có nhiều nhà đầu tư đến, tìm hiểu, nghiên cứu và gắn bó cho tới nay, tích cực góp sức, góp công mang lại sự đổi thay từng ngày từng giờ cho địa phương.
Tại Sông Công, hiện đang có 2 KCN tập trung trọng điểm của tỉnh là Sông Công I (diện tích gần 240ha, đã lấp đầy 150ha với 86 dự án đầu tư), Sông Công II (rộng 250ha, hiện đã giải phóng mặt bằng được 150ha và thu hút được 4 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn 1,3 tỷ USD. 4 cụm công nghiệp: Khuynh Thạch (diện tích trên 19ha, đã lấp đầy 50% với 5 dự án có tổng số vốn 200 tỷ đồng); Nguyên Gon (diện tích gần 17ha, đã lấp đầy khoảng 80% với 11 dự án đầu tư có tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng); Bá Xuyên (diện tích 48,5ha đang tiến hành GPMB và xây dựng hạ tầng với số vốn đầu tư khoảng 431 tỷ đồng); Lương Yên (diện tích hơn 34,5ha, đang trong quy trình lựa chọn nhà đầu tư đầu tư hạ tầng khu công nghiệp).
Đi đôi với sự phát triển của các KCN, CCB, quy mô và số lượng các doanh nghiệp trên địa bàn cũng gia tăng đáng kể. Năm 2015 có khoảng 268 doanh nghiệp thì tới năm 2018 đã lên tới 450 doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực công nghiệp xây dựng là khoảng 150 đơn vị. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp cũng không ngừng gia tăng, năm 2016 là 4.875 tỷ đồng, năm 2018 đã đạt 6.889 tỷ đồng.
Ba năm qua (2016-2018), Sông Công đã rất nỗ lực thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban thường vụ Tỉnh uỷ Thái Nguyên về việc xây dựng thành phố đạt đô thi loại II vào năm 2020. Để đẩy nhanh tiến trình đô thị hoá, Đảng bộ chính quyền và nhân dân Sông Công đã thực hiện triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội với trọng tâm là 9 chương trình phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2019.
Song song với các mục tiêu về kinh tế, các mục tiêu về điện đường trường trạm, điện lưới, hệ thống nước sạch, thông tin liên lạc, vệ sinh môi trường, cảnh quan môi trường, hạ tầng kỹ thuật,... đều phải được quan tâm nhằm đảm bảo các tiêu chí phân loại đô thị do Quốc hội đề ra.
Khẳng định hiệu quả
Sông Công đã tập trung mọi nguồn lực, kêu gọi các nhà đầu tư chung tay trong công cuộc kiến thiết thành phố, nâng tầm vị thế cho địa phương. Các nhóm ưu tiên đầu tư cũng được lên kế hoạch. Lĩnh vực thu hút đầu tư phát triển hạ tầng đô thị được chú trọng. Trong thời gian qua, lĩnh vực này đã huy động mọi nguồn lực được khoảng 3.900 tỷ đồng. Đặc biệt, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018, thành phố đã tích cực tham gia. Kết quả là Sông Công đã có 12 trên tổng số 65 danh mục dự án của tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư. Tại Hội nghị, đã có ba dự án được trao và ký biên bản ghi nhớ. Sau đó, lãnh đạo thành phố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn. Hiện tại đã có 48 danh mục dự án thu hút đầu tư có tổng số vốn đầu tư lên tới 16.200 tỷ đồng. Trong đó, 45 dự án đã có hồ sơ đề xuất, khảo sát và đăng ký đầu tư gửi tỉnh và thành phố với tổng mức đầu tư là 15.600 tỷ đồng.
Sự nhập cuộc, đồng hành của các nhà đầu tư với sự đổi thay của Sông Công hiện rất rõ qua mỗi công trình mới được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Các khu đô thị: Kosy, Hồng Vũ, Vạn Phúc Việt, Thống Nhất;... các khu dân cư tổ 11, phường Thắng Lợi; khu đường Thắng Lợi kéo dài; khu đô thị và tiện ích thuộc KCN Sông Công II, khu tổ hợp dịch vụ tiện ích nhà ở phường Cải Đan,... được xây dựng theo thiết kế hiện đại, văn minh, đã mang lại hình ảnh mới cho thành phố Sông Công, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng ngày càng cao của nhân dân. Sự đồng bộ và hoàn thiện của các công trình phục vụ công cộng và hạ tầng kỹ thuật đô thị đã khiến cho thành phố sạch đẹp, khang trang, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trên thực tế, các dự án đầu tư phát triển đô thị luôn bám sát đồ án Quy hoạch chung của thành phố dưới sự giám sát, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo. Những phát sinh luôn được cập nhật, bổ sung và điều chỉnh kịp thời giữa doanh nghiệp và chính quyền để phù hợp với tình hình thực tế như khơi thông dòng chảy thoát lũ cho khu dân cư, giúp nhân dân đi lại, sinh hoạt thuận tiện, dễ dàng hơn. Sau nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật đô thị được thi công, người dân được hưởng lợi cả về tiện ích sinh hoạt hàng ngày và đất đai gia tăng giá trị.
Mục tiêu trở thành đô thị loại II vào năm 2020 của Sông Công không chỉ nâng tầm vị thế cho địa phương, mà còn tạo đà để thành phố tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới đã đến rất gần.
Với sự cầu thị của lãnh đạo thành phố Sông Công cùng với sự đoàn kết, ủng hộ của toàn dân sẽ đưa địa phương gặt hái được nhiều thành tích cao hơn nữa trong tiến trình phát triển cùng đất nước trong thời kỳ mới.
Anh Minh