Theo thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, khoảng 5 năm trở lại đây (2012-2017), trung bình mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500-700 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc trừ sâu từ Trung Quốc.
PGS. TS. Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV- Bộ NN&PTNT) nhận định, thuốc trừ cỏ có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Nếu không có tác động của các biện pháp BVTV, sâu bệnh hại và cỏ dại có thể làm giảm năng suất cây trồng 70-75%, trong đó riêng cỏ dại làm giảm năng suất 40-45%.
Nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo thói quen
Hiện còn nhiều nông dân thiếu hiểu biết cơ bản về thuốc BVTV, sử dụng thuốc BVTV vẫn còn nhiều bất cập như: người dân vẫn sử dụng các loại thuốc BVTV không thích hợp với chủng loại cây trồng và sâu bệnh, vẫn còn tồn tại các loại thuốc BVTV ngoài danh mục được phép lưu hành; thuốc cấm, nhiều nông dân thường dùng với liều cao hơn khuyến cáo.
Nguy hiểm hơn là vi phạm cả về thời gian cách ly theo khuyến cáo của nhà sản xuất, việc làm này vô tình đã tạo ra nguy cơ cao về tồn dư thuốc BVTV trong nông sản.
Một ví dụ điển hình nhất về hậu quả nhiễm dư lượng thuốc BVTV trong nông sản là vụ việc mới đây, Malaysia đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu đối với ớt của Việt Nam kể từ ngày 14/9/2018.
Nguyên nhân, theo Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) là cơ quan này nhận được thông báo từ Cục Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Chế biến nông sản Malaysia cho biết, Cơ quan kiểm tra và Kiểm dịch nước này đã phát hiện nhiều lô ớt của Việt Nam xuất khẩu nhiễm dư lượng thuốc BVTV quá giới hạn cho phép của nước này.
Trái ớt của Việt Nam vừa bị Malaysia tạm dừng cho phép nhập khẩu, do nhiễm dư lượng thuốc BVTV (Ảnh: IT)
Mới đây nhất, thực hiện theo Quyết định số 72/QB-TTBVTV ngày 3/8/2018 của Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Nai, từ ngày 7.8 đến ngày 14.9, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất rau, quả tại địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh.
Qua thanh tra, kiểm tra 73 cơ sở (65 hộ nông dân và 8 doanh nghiệp) tại các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, kết quả cho thấy: về sử dụng thuốc BVTV, có 10/71 cơ sở, chiếm 14,1% tổng số cơ sở được thanh tra sử dụng thuốc BVTV không đúng nội dung hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn thuốc, cụ thể: sử dụng không đúng đối tượng cây trồng khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên nhãn thuốc; không đúng liều lượng, nồng độ khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên nhãn thuốc; chưa tuân thủ thời gian cách ly.
Trong khi đó, số lượng cửa hàng và người buôn bán thuốc còn nhiều, điều kiện kinh doanh còn lỏng lẻo, lực lượng thanh tra mỏng. Vai trò của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc trên địa bàn quản lý chưa được quan tâm và phát huy đúng mức.
Lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng khuyến cáo, sử dụng sai mục đích... là những nguyên nhân chính gây ra một số ảnh hưởng không mong muốn tới sức khoẻ cộng đồng và môi trường trong thời gian gần đây.
Với những sai phạm trong việc sử dụng thuốc BVTV đã được đoàn thanh tra phát hiện, căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Đoàn thanh tra đã ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục xử phạt không lập biên bản. Theo đó 9 hộ nông dân và 1 doanh nghiệp nhận hình thức xử phạt là cảnh cáo.
Theo kết luận thanh tra của Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Nai, nhiều nông dân sử dụng thuốc BVTV mà không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, không tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất, sử dụng theo kinh nghiệm bản thân (Ảnh: IT)
Theo ThS. Nguyễn Văn Hưng, chuyên viên cao cấp Vụ Nông nghiệp - Văn phòng Chính phủ kiến nghị, cần sớm xây dựng chiến lược sử dụng thuốc BVTV ở Việt Nam trong 10-15 năm tới nhằm giảm nguy cơ, giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV.
Cần có lộ trình giảm lượng thuốc BVTV sử dụng từ nay đến 2020, giảm 30-40% mỗi năm, đặc biệt trên lúa, rau, chè, quả, vùng nông sản xuất khẩu; giảm số lượng hoạt chất trong danh mục 30-40%, số sản phẩm thương mại cho một hoạt chất; nâng tỷ lệ thuốc sinh học, thuốc thân thiện với môi trường lên 40-60% từ nay đến năm 2020.
Phải hạn chế đăng ký sản phẩm cũng như nhập khẩu thuốc BVTV; hạn chế đăng ký sản phẩm thuốc nhóm độc I, II có thời gian cách ly dài, có độc tính cao với ký sinh thiên địch và cá; tăng thuế nhập khẩu với các loại thuốc thuộc diện không khuyến khích sử dụng; định kỳ 3 năm/lần cần rà soát lại sản phẩm; loại bỏ các loại thuốc không hoặc chưa sử dụng trên thị trường, thuốc đã bộc lộ nhiều nhược điểm, hạn chế.
Cùng với việc thắt chặt phương thức quản lý để chọn lọc các sản phẩm thuốc trừ cỏ an toàn và phù hợp điều kiện canh tác của Việt Nam, cần tiếp tục tiến hành các hoạt động hướng dẫn, đào tạo nông dân sử dụng các sản phẩm thuốc một cách có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả, thay đổi tập quán canh tác cũ là giải pháp bền vững và triệt để nhất.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Nai, trong tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm 47,2%, diện tích đất sản xuất rau các loại là 14.105 ha, diện tích cây ăn quả các loại là 48.317 ha.
Địa bàn tỉnh rộng, phức tạp, cơ cấu cây trồng phong phú chủng loại, một số cây có giá trị kinh tế cao nên nhu cầu về sử dụng thuốc BVTV cao, giao thông thuận lợi chính vì vậy lượng thuốc BVTV hàng năm lưu thông, buôn bán trên địa bàn khá lớn.
Tuy nhiên, lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành thuốc BVTV mỏng, ý thức chấp hành pháp luật của một số nông dân trong việc sử dụng thuốc BVTV chưa cao nên công tác thanh, kiểm tra gặp nhiều khó khăn.
Hải Đăng