THCL Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá việc triển khai đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước ngày 14/3/2017.
Đồng chí Lê Duy Thành, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc
Hội nghị do Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức sáng 14/3. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và đại diện các bộ, ngành, địa phương. Đồng chí Lê Duy Thành, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc.
Theo báo cáo tình hình triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính quy mô quốc gia (SIPAS 2015) ở cả 6 thủ tục được khảo sát về tiếp cận dịch vụ đạt từ 73,7 - 86,1%, về thủ tục hành chính đạt từ 73,5 – 88,7%, về sự phục vụ của công chức đạt từ 74,3 – 87,2%, về kết quả giải quyết thủ tục hành chính là 73,7 – 89,8%, về toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính là 74,4 – 89,5%.
Ngoài ra, 3 nội dung mà người dân, tổ chức mong muốn cải tiến nhất đối với thủ tục giải quyết ở cấp huyện là: Mở rộng các hình thức thông tin, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính và ở cấp xã là: Mở rộng các hình thức thông tin, tiếp tục đơn giả hóa hành chính, cải thiện hệ thống sơ sở vật chất, trang thiết bị.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, kết quả trên bước đầu phản ánh được thực trạng và chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính hiện nay cũng như cho thấy sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với việc giải quyết thủ tục trong thời gian tới. Từ đó, giúp các cơ quan nhà nước xác định các giải pháp phù hợp, khách quan nhằm khắc phục các vấn đề hiện nay, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân, tổ chức ngày càng tốt hơn.
Cũng theo đồng chí Lê Vĩnh Tân, để việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước được triển khai định kỳ hằng năm ở quy mô quốc gia, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng khung đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức. Nghiên cứu, áp dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong triển khai đo lường sự hài lòng của người dân để nâng cao tính khách quan, trung thực, công khai, minh bạch. Tăng cường công tác tuyên truyền, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong giám sát, phản biện xã hội. Tăng cường hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương.
Cùng với SIPAS 2015, đến tháng 12/2016, có 4 bộ, 32 địa phương đã chủ động tự triển khai và công bố kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức trong phạm vi ngành, địa phương. Bên cạnh các bộ, ngành, địa phương có chỉ số khá tương đồng với kết quả Bộ Nội vụ đã triển khai xác định năm 2015: 40 – 70% đối với các chỉ số chất lượng và khoảng 70 - 90% đối với các chỉ số hài lòng, một vài địa phương có chỉ số hài lòng rất cao, đều trong khoảng 95 - 100%. Nhìn chung, kết quả đo lường sự hài lòng của các bộ, ngành, địa phương khác nhau, không thể hiện được tính đồng nhất, thông suốt của nền hành chính.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng chỉ ra một số tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai như: Lãnh đạo, công chức ở nhiều cơ quan, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức; nguồn kinh phí triển khai còn hạn chế nên khó lựa chọn các tổ chức độc lập bên ngoài để thực hiện công việc điều tra xã hội học, quy mô mẫu khảo sát cũng bị hạn chế; kết quả chỉ số thu được ở một số địa phương quá cao, chưa thực sự thuyết phục; nhiều địa phương triển khai đo lường sự hài lòng qua nhiều năm nhưng chưa có chương trình, kế hoạch hành động dựa trên kết quả thu được…
Trước thực tế đó, hội nghị đã đề ra mục tiêu trong thời gian tới là triển khai định kỳ hàng năm việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước ở quy mô quốc gia, ngành, lĩnh vực và địa phương. Đồng thời, sử dụng kết quả này để khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, tổ chức, góp phần xây dựng thành công nền hành chính phục vụ.
Nhấn mạnh trong lĩnh vực cải cách hành chính, trên cả nước xuất hiện một số mô hình hiệu quả, mang tính đột phá, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, để hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ theo chủ trương của Chính phủ, chất lượng công tác cải cách hành cần được nâng cao, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu quả.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với Văn Phòng Chính phủ xây dựng Đề án đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân trong giai đoạn tới, chuẩn hóa các tiêu chuẩn để áp dụng rộng rãi tại tất cả các địa phương. Các Bộ, ngành, địa phương định kỳ hằng năm triển khai đo lường sự hài lòng của người dân nhằm phát huy tốt những kết quả đạt được cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện để người dân, tổ chức tham gia giám sát, phản biện xã hội.
Bộ Nội vụ tăng cường tổ chức các chương trình tập huấn, hội thảo, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin giữa các Bộ, ngành, địa phương. Các địa phương sử dụng kết quả đo lường sự hài lòng làm một tiêu chí đánh giá tác động trong chỉ số cải cách hành chính; áp dụng thống nhất phương pháp đo lường sự hài lòng do Bộ Nội vụ ban hành; nghiên cứu, cải tiến, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các phương án khảo sát.
Tại điểm cầu Vĩnh Phúc, đồng chí Lê Duy Thành đề nghị Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị, triển khai thực hiện tốt kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ, tham mưu UBND tỉnh đề xuất các lĩnh vực cần khảo sát, đánh giá theo hướng mở rộng hơn so với khảo sát, đánh giá trước đây; có biện pháp thực hiện tốt các nhiệm vụ để cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân; căn cứ kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân có ngay các biện pháp chỉ đạo khắc phục kịp thời tồn tại, bất cập hạn chế trong các cơ quan hành chính Nhà nước; đề xuất tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho bộ phận một cửa các cấp; tham mưu đề xuất đẩy nhanh tiến độ thành lập Trung tâm hành chính công và chương trình Chính phủ điện tử.
Nguyễn Quyên