Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, sau 4 năm thi hành, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã đi vào cuộc sống, khẳng định tinh thần sáng tạo, thúc đẩy việc tham gia thị trường của các doanh nghiệp. Môi trường đầu tư của nước ta đã có những chuyển biến thuận lợi, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 3 năm gần đây tăng khoảng 65-70%, đạt mức cao nhất 20 năm qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các luật này cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định nhằm thể chế hóa kịp thời và đầy đủ các Nghị quyết của Đảng nên rất cần ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và chuyên gia.
Góp ý cho dự thảo, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho biết, ban soạn thảo cần lưu ý về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bắt đầu thực hiện ở nước ta, có nhiều vấn đề mới nảy sinh mà chưa có pháp luật điều chỉnh, điển hình là Grab và Uber, Fintech (công nghệ tài chính), AI (trí tuệ nhân tạo)…, một số ngành nghề của không tồn tại, một số ngành nghề mới xuất hiện.
Toàn cảnh Hội thảo
Do đó cần có cách tiếp cận thích hợp để không lấy luật pháp hiện hành điều chỉnh hành vi mới và không căn cứ vào luật pháp hiện hành để xử lý theo hướng “vi phạm luật pháp” của hành vi đó, vì cả hai đều cản trở việc thực hiện theo hướng đổi mới, sáng tạo.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) cho biết, hiện vẫn còn nhiều đạo luật xung đột và chồng chéo trong các quy định, khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ, tốn kém… Nên để xây dựng luật, các cơ quan cần phối hợp, dùng một luật sửa nhiều luật, tách xây dựng pháp luật ra khỏi cơ quan cấp phép.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Luật Doanh nghiệp cần mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và khởi kiện trong trường hợp người quản lý lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông.
Bên cạnh đó, ông Phan Đức Hiếu đề xuất Luật Doanh nghiệp sửa đổi cho phép chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên (không phải là doanh nghiệp nhà nước) quyết định và lựa chọn cơ chế kiểm soát công ty phù hợp với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp, thay vì bắt buộc doanh nghiệp phải thành lập Ban kiểm soát như quy định hiện hành.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Intracom cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang rất vất vả với các loại hóa đơn và giấy tờ, nên cần có những quy định để giúp doanh nghiệp thuận lợi ứng dụng công nghệ quản lý thông tin.
Cũng theo các chuyên gia, nhiều quy định của 2 luật này vẫn chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tiễn và việc vận hành pháp luật kinh doanh của Việt Nam còn nhiều trở ngại.
Lấy ví dụ về hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn VABIS cho hay, doanh nghiệp có trường đua chó ở Vũng Tàu, xây trường đua chó ở Hà Tĩnh, có 2 năm là xong.
“Sau 3 năm Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế ra đời khiến tôi tắc, dù tôi có cả giấy phép đầu tư, giấy phép kinh doanh tuy nhiên trong Nghị định có chữ cá cược thì tôi không có. Mà từ thời điểm trước xin giấy phép đầu tư thì không có chữ cá cược. Giờ xét theo Nghị định mới thì chúng tôi không có trong quy hoạch, phải xin lại quy hoạch của Thủ tướng. Tôi có 900 con chó và 100 con ngựa, sáng ăn, trưa ăn, chiều ăn. Tốn kém rất nhiều mà bây giờ bỏ đi thì không nỡ", ông Mỹ chia sẻ.
Nhìn chung, điểm cốt lõi của Dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là phải đảm bảo những ưu đãi và quyền của nhà đầu tư và doanh nghiệp, nên phải loại bỏ hết những chồng chéo, những điểm còn bất cập. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn ban soạn thảo luật tiếp tục và thường xuyên ghi nhận ý kiến đóng góp để dự luật được ban hành sẽ đi vào thực tế hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Linh Trang