Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, trong tháng 2/2025 dù gián đoạn nhiều ngày do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhưng trong tháng Hai, VinFast vẫn ghi nhận mức tăng trưởng doanh số lên tới 25% so với tháng 1/2025 với 12.500 xe các loại. Trong đó, VF3 chiếm doanh số lớn, với 5.200 xe được bàn giao.
Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng doanh số của VinFast trong tháng 2/2025 là mẫu VF5, với hơn 3.000 xe bán ra. Nối tiếp VF5 là VF6, với doanh số gần 2.000 xe được bàn giao, cán mốc tháng thứ 5 liên tiếp đạt doanh số trên 1.000 xe, khẳng định vị thế dẫn đầu phân khúc xe gầm cao cỡ B tại thị trường Việt Nam. Như vậy, trong 2 tháng đầu năm 2025, VinFast đã bàn giao cho khách hàng Việt Nam gần 23.000 ô tô điện.

Thông tin từ Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh VinFast cũng cho thấy, để đáp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đồng thời chiếm lĩnh thị trường, trong năm 2025 VinFast sẽ có thêm 4 mẫu ô tô điện giá rẻ đáp ứng nhu cầu chạy xe dịch vụ. Đặc biệt, hãng sẽ ra mắt mẫu xe Minio nhỏ hơn chiếc VF3 và có mức giá dự kiến chỉ khoảng 150 triệu đồng.
Bên cạnh những nỗ lực từ VinFast, các nhà sản xuất quốc tế cũng đang gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Nhiều thương hiệu ô tô điện từ Trung Quốc đã tìm kiếm cơ hội bằng cách liên doanh với các công ty địa phương. Điển hình, liên doanh SGMW – gồm General Motors, SAIC Motor và Wuling Motors đã hợp tác với TMT Motor để đưa các dòng xe điện vào Việt Nam. Tương tự, Haima đã kết hợp với Carvivu, còn Chery bắt tay với Tập đoàn Geleximco, tạo ra các lựa chọn phong phú cho người tiêu dùng trong nước.
Ngay cả những thương hiệu cao cấp, như Mercedes-Benz đã giới thiệu mẫu xe điện Maybach EQS 680 SUV tại Việt Nam. Trong khi đó, Porsche cũng dự kiến sẽ ra mắt thế hệ Taycan mới, với nhiều cải tiến về công nghệ pin và khả năng sạc nhanh, khẳng định cam kết dài hạn với thị trường Việt Nam.
Lý giải nguyên nhân khiến người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe ô tô điện, ông Đào Phan Long, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết, người tiêu dùng đã bắt đầu nhận thức được lợi ích của việc sở hữu một chiếc xe điện, từ chi phí nhiên liệu thấp hơn đến sự thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng sạc điện cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xe điện.

Đến cuối năm 2024, Việt Nam đã có hơn 5.000 trạm sạc điện được lắp đặt trên toàn quốc. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đều có mạng lưới trạm sạc rộng khắp, đáp ứng nhu cầu sử dụng xe điện của người dân.
Nhận định về xu hướng của thị trường xe điện Việt Nam trong năm 2025, ông Ninh Hữu Chấn, Tổng Thư ký VAMA cho rằng, thị trường tiêu thụ xe điện sẽ tiếp tục đà tăng trưởng bởi không chỉ các khách hàng là người dùng cá nhân mà ngay cả ngành vận tải taxi tại Việt Nam cũng đang chuyển mình với sự tham gia của các tên tuổi lớn trong cuộc đua “xanh hoá” đội xe theo Quyết định 876 của Chính phủ.
Theo đó, từ sau năm 2030, tại các đô thị, 100% taxi sẽ phải sử dụng điện, năng lượng xanh. Một yếu tố không thể thiếu trong việc thúc đẩy thị trường ô tô điện chính là sự phát triển của hạ tầng trạm sạc điện. Chính phủ dự kiến từ nay đến cuối năm 2025 sẽ đầu tư vào việc xây dựng hơn 20.000 trạm sạc trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe điện. Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ tham gia vào việc xây dựng và vận hành các trạm sạc, giúp nâng cao tính tiện lợi khi sử dụng ô tô điện.
Tuấn Ngọc (t/h)