“Kẻ thù vô hình Covid-19” là cuốn sách do Nguyễn Xuân Tuấn cùng các cộng sự biên soạn, Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Viện Khoa học giáo dục và môi trường và Công ty CP Liên minh kinh tế quốc gia phát hành. Nằm trong Dự án “Lấy nghiên cứu khoa học làm hạt nhân, người dân làm trung tâm” nghiên cứu về kinh tế kiến nghị và đề xuất về Chiến lược lâu dài, kế sách bền vững sống chung với Covid-19, dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các tập thể cá nhân tham gia.
Trước đó, năm 2021, tại thời điểm khó khăn nhất trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại nước ta, trong lần trả lời phỏng vấn Báo Nhân dân và Truyền hình Nhân dân, ông Nguyễn Xuân Tuấn đã có dự đoán tương lai tốt đẹp “Đại dịch Covid-19 sẽ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế vào năm 2023” trên phạm vi toàn cầu.
Chia sẻ thêm về cuốn sách “Kẻ thù vô hình Covid-19”, ông Tuấn cho biết: “Sau khi cuốn sách ra mắt phát hành, các nhà báo đã hỏi tôi tại sao số trang sách lại lùi dần (543 trang). Tôi khẳng định, không có cái gì là tuyệt đối, trong cuộc sống ai cũng mong mình gắn với một con số đẹp tiến lên, tiến về phía trước. Nhưng, đây là cuốn sách “đặc biệt” về dịch bệnh, thế giới ghi nhận hơn 765 triệu trường hợp dương tính với gần 7 triệu người tử vong. Trong đó, Việt Nam cũng bị tổn thất, mất mát quá lớn - Đó là điều mà ai cũng mong muốn dịch bệnh sẽ lùi dần và đó cũng là sự sắp xếp số trang sách “Kẻ thù vô hình Covid-19”...”.
Thông qua cuốn sách, ông Tuấn cũng mong muốn gửi gắm tình cảm, niềm tin đến mọi người về những khó khăn trong cuộc sống, nhất là “kẻ thù vô hình Covid-19”, do đó điều cần làm là lựa chọn cách thức để vượt qua và lan tỏa niềm tin chiến thắng đại dịch.
Trong cuốn sách, cũng đề cập đến những quyết sách kịp thời của Đảng, Nhà nước ta, những bài học, những tấm gương người tốt việc tốt, những giải pháp kiến nghị theo các nguyên lý khoa học “lấy khoa học làm hạt nhân, lấy người dân làm trung tâm” - những “Kẻ thù vô hình” khác cũng bị đẩy lùi như chúng ta đang chứng kiến.
Bằng nhiệt huyết, đam mê, dũng cảm, dấn thân như tiêu chí trong bài thơ “Con đường tương lai”, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn nói về tinh thần đoàn kết dân tộc và tinh thần yêu nước của Nhân dân tham gia xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới. Nhà văn lại tiếp tục cùng với nhiều nhà nghiên cứu biên soạn cuốn sách “Con đường tương lai” cùng tên, cùng ý nghĩa với bài thơ, nhằm đóng góp một phần nhỏ bé sức mạnh tinh thần cho xã hội.
Từ cuốn sách “Kẻ thù vô hình Covid-19” đến cuốn sách “Con đường tương lai” - những cuốn sách cho thấy tâm huyết và trí tuệ của nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn, cùng các nhà khoa học đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhà văn Phùng Văn Khai