Khu vực phi quân sự DMZ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên
Tự hào rằng, phóng viên Báo Công Thương là một trong số ít người được đặt chân tới khu vực phi quân sự DMZ lớn nhất thế giới, ở làng Panmunjeon, cách thủ đô Seoul khoảng 50 km, ranh giới giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên.
Thời điểm cách đây 6 năm, Kim Hoon - Giám đốc nhân sự của Tập đoàn Doosan - đã phải mất rất nhiều thời gian để có thể làm được thủ tục cho đoàn nhà báo 5 người của Việt Nam tới nơi này; còn hiện tại, nơi đây đã mở cửa công khai cho khách du lịch tới tham quan.
Với hàng chục câu dặn dò "không được", gần như chúng tôi là người "cấm khẩu" khi tới DMZ. Lừng lững là những lính Mỹ, lính đa sắc tộc với súng lục, súng trường và bộ mặt sắc lạnh. Tự mình đếm bước chân mình. Chẳng ai dại gì mà hỏi han!
Tại khu vực phi quân sự DMZ
Vậy là tôi cũng đã đứng tại cây cầu "Không trở lại" - nơi từng xảy ra vụ lính Triều Tiên bắn chết 2 lính Mỹ năm 1976; nhìn cột cờ 98m ở bên phía Hàn Quốc và cột cờ 160m phía Triều Tiên với hành động được biết đến với tên "Cuộc chiến Cột cờ"; bước trên khu vực an ninh chung (J.S.A) - khu vực căng thẳng nhất ở biên giới 2 miền, nơi binh sĩ 2 bên hàng ngày giáp mặt trong cuộc chiến kéo dài hơn 60 năm…
Ngay từ thời điểm đó, khi đứng trên con đường rải sỏi thuộc phía Hàn Quốc, ngó sang phía đường đất thuộc phía Bắc Triều, nghĩ đến những câu chuyện được nghe, những hình ảnh được xem trên truyền hình về những giọt nước mắt sum họp của người dân 2 miền, tôi đã tự nhủ: "Rồi hòa bình sẽ tới với họ".
Cuối tháng 4 vừa qua, cả thế giới đã hướng về cuộc gặp thượng đỉnh giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Hàn Quốc. Dường như khoảng cách Nam - Bắc đã rút ngắn, hòa bình dần tới…
Vùng dịch bệnh sốt rét ở châu Phi
Tham gia trải nghiệm cùng những người lính Viettel khi "mở sóng" trên những vùng đất khó khăn nhất của đất nước Mozambique, khi "3 cùng" với họ, tôi mới cảm nhận rõ rệt sự hy sinh cả mạng sống để hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng thành công thương hiệu di động Movitel.
Thủ phủ Quilimane; tỉnh Zambezia; huyện Maganja Da Costa… thời điểm chúng tôi đến cũng là lúc dịch bệnh sốt rét đang hoành hành. Mặc dù đã được tiêm phòng trước khi lên máy bay, nhưng câu hỏi của Giám đốc điều hành Movitel Nguyễn Đức Quang cũng khiến tôi lăn tăn: "Nhà báo có sợ không?". Quả thực đôi chút lần khân, nhưng tôi vẫn quyết tâm bám đoàn lính. Anh em bên này, người hên nhất chỉ mới dính sốt rét một lần, còn xui thì vài ba lần. Nước da ai nấy xanh xao. Đành sống chung và phó mặc.
Ủng, áo đặc chủng dày cồm cộp. Kín mít giữa mùa hè thiêu đốt. Tay cầm đuốc để đuổi muỗi, nhưng quả thực xua không xuể. Những đàn muỗi đói hung hăng vẫn liều mình xông vào. Nhưng sự dũng cảm của người lính - khi nằm rạp xuống đất, lúc lại leo chót vót lên ngọn cây, thách thức cả sự khắc nghiệt của thời tiết lẫn thực tại - dường như đã kích động lòng can đảm trong cái cơ thể thiếu rèn luyện của tôi.
Trưa, ngồi dưới bóng cây bao báp - tôi nhận được lời khen khích lệ từ những người lính Viettel.
Tối, ở nhà dân, giữa những cánh tay giơ lên, những cái nhìn trìu mến và lời nói qua lại bằng tiếng Bồ Đào Nha - tôi được nghe dịch lại là "thổ dân" thán phục tôi.
Sáng hôm sau, vừa ăn món bánh xi-ma truyền thống, vừa mở mu bàn tay đỏ hỏn những vết muỗi cắn từ ban đêm, mặc dù đã bôi đủ thứ dung dịch phòng chống - tôi lại một lần nữa nhận được lời khen từ y sĩ địa phương, sau khi họ thấy cử chỉ "làm ra vẻ không vấn đề gì" từ tôi.
Về đến Thủ đô Maputo, cả công ty ra đón chúng tôi như những "người hùng". Tất cả Ban giám đốc thở phào vì sự bình an của 4 nhà báo sẵn sàng lên đường chứng kiến mọi gian khó - cùng họ.
Đến Ai Cập vào thời điểm "đe dọa an toàn"
Mặc dù, chuyến công tác với Tập đoàn Siemens tới Ai Cập đã được lên kế hoạch. Vé máy bay đã sẵn sàng, nhưng chúng tôi vẫn được thông báo, có thể hoãn vô thời hạn bởi sự rối ren về tình hình chính trị của quốc gia này.
Rồi may mắn, chuyến đi diễn ra theo đúng lịch trình. Vẫn biết lượng người đến Ai Cập những năm gần đây sụt giảm mạnh bởi các xung đột bạo lực diễn ra triền miên sau cuộc cách mạng năm 2011 và nguồn lợi do du lịch mang lại cho Ai Cập là hàng tỷ đô la Mỹ/năm đã không còn; nhưng tôi vẫn giật mình vì sự vắng vẻ lạ thường khi đặt chân tới Thủ đô Cairo. Anh lái xe nói, trước khi chúng tôi tới 2 ngày, một vụ bắn súng ở trường học mới nổ ra, ngay trước mặt cảnh sát.
Công việc diễn ra thuận lợi và thu được nhiều kết quả; nhưng chúng tôi luôn di chuyển trong sự thấp thỏm an toàn và luôn phải tâm niệm học thuộc hàng loạt nội quy. Nơi đến của chúng tôi là các siêu dự án của Siemens tại Beni Suef, Burullus và New Capital. Đây là những thành phố vệ tinh của Thủ đô Cairo và luôn ở trong tình trạng cảnh báo khủng bố, bởi là các khu vực mới xây dựng.
Mấy ngày sau khi chúng tôi trở về Việt Nam, Trần Hùng Cường - Tùy viên thương mại Việt Nam tại Ai Cập - mới email cho tôi: "Những ngày đoàn công tác ở bên này, Đại sứ quán rất lo. Bây giờ mới thở phào". Rồi hỏi ra mới biết, khi chúng tôi đang trên máy bay cũng là lúc một vụ xả súng mới nổ ra ở một nhà thờ ngay gần thủ đô khiến 3 người thiệt mạng…
Bảo Ngọc T/h