Không kìm hãm thị trường 

Viện trưởng CIEM, TS. Nguyễn Đình Cung: Nghị quyết 27 NQ/CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gồm 16 định hướng, chính sách lớn và 120 nhóm nhiệm vụ thực hiện ở cấp bộ, ngành. Đến nay, có 25,8% nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng, 16,7% nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa có kết quả.

Tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2018: Nhiều mục tiêu khó hoàn thành - Hình 1

Kết quả cơ cấu lại kinh tế nửa đầu giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng phục hồi, đạt mức tương đối cao, chất lượng tăng trưởng cải thiện, cách thức tăng trưởng có thay đổi tích cực so với trước. Tuy nhiên, nguồn lực, về cơ bản chưa được phân bổ lại theo hướng nâng cao hiệu quả. Các dòng chảy lớn như sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; nông thôn sang thành thị, nhà nước sang tư nhân… còn chuyển dịch chậm.

TS. Cung cho rằng, giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới có lẽ là nhóm giải pháp về nghiên cứu chuẩn bị cho giai đoạn 2021 - 2030. Nội dung của giai đoạn này phải là vừa hoàn thành chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, kinh tế số, vừa phải tận dụng cơ hội CMCN 4.0. Giai đoạn này, phải chấm dứt tình trạng "kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi" để biện minh cho sự kém cỏi, yếu kém.

“Chỉ có thị trường, thị trường và thị trường hơn mới tạo ra động lực cho tăng trưởng, phát triển. Còn nếu cứ kìm hãm thị trường như hiện nay, thì sẽ không có dư địa cho tăng trưởng”, TS. Cung nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện giải pháp hiện có như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, xử lý nợ xấu… nhưng phải tăng quy mô, tốc độ và đảm bảo tính thực chất, đầy đủ, không hình thức, nửa vời. Phải có nhóm chuyên gia độc lập thẩm định các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành… trước khi trình Chính phủ.

Vẫn còn quá nhiều thủ tục hành chính

Luật sư Lê Văn Hà cho biết, Việt Nam hiện có trên 7.200 thủ tục hành chính (TTHC), chi phí tuân thủ tốn kém và có xu hướng tăng, nhất là lệ phí liên quan đến DN. 

Trong khi đó, chi phí tuân thủ TTHC tốn kém và có xu hướng tăng, nhất là lệ phí liên quan đến DN. Hơn nữa, thời gian thực hiện và hoàn thành TTHC dây dưa, kéo dài cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Vì vậy, cần tiếp tục cắt giảm TTHC. 

Chẳng hạn, đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp theo Thông tư 263/2016/BTC-TT, tăng trung bình 150 - 200% các loại lệ phí công bố hợp quy - công bố sự phù hợp đối với thực phẩm công nghiệp, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng tăng 3 lần (1,5 triệu). Thời gian thực hiện và hoàn thành TTHC dây dưa, kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Về thủ tục công bố hợp quy, hợp chuẩn theo điều 45, 48 - Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006 quy định DN phải đăng ký công bố hợp chuẩn, hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền, nhưng các thủ tục này vẫn quy định theo hướng thẩm định, cấp phép nhiều hơn là đăng ký. 

Do đó, luật sư Lê Văn Hà cho rằng, cần bãi bỏ thủ tục xác nhận đủ điều kiện kinh doanh, chuyển việc kiểm tra thủ tục kinh doanh sang hậu kiểm, xã hội hóa thủ tục đăng ký hợp quy, hợp chuẩn.

Trước thực trạng này, CIEM đề xuất bỏ thủ tục xác nhận đủ điều kiện kinh doanh. “TTHC vẫn là điều dư luận xã hội quan tâm. Nút thắt này - dường như càng cố gắng tháo gỡ thì càng thắt chặt? Nếu không gỡ bỏ được nút thắt, cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế nói chung sẽ gặp cản trở. Môi trường kinh doanh cho kinh tế số đáng lo ngại. Việt Nam vẫn bị xếp hạng thấp trong khu vực ASEAN”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh. 

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào việc sử dụng vốn hiệu quả, chứ không chỉ tập trung thu hút các nguồn vốn. Hiện nay, nhiều nguồn vốn ưu đãi như ODA thu hút được, nhưng vướng mắc ở quá trình giải ngân, gây ra nhiều lãng phí.

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính nêu chính kiến: “Nền kinh tế đang có những bất cập khi việc phân bổ nguồn lực, sử dụng nguồn ngân sách công chưa minh bạch và thiếu hiệu quả. Đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công còn chậm...

Trúc Mai