THCL “Chính phủ sẽ quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, không cứu vớt các ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém”, đây là phát biểu của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng nay (22-10).
Quyết liệt tái cơ cấu DNNN
Phó thủ tướng khẳng định trong giai đoạn tới, việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ triển khai quyết liệt hơn, với nhiều giải pháp mới.
Ông cho biết: “Trước đây cổ phần hóa số lượng doanh nghiệp thì rất nhiều nhưng tổng vốn hóa thì rất thấp, mỗi anh một tí thôi. Lần này xác định rõ là với loại 100% (vốn nhà nước) cần giữ thì phải giữ, rồi loại 65% và loại 50%, còn loại dưới 50% thì có thể thoái hết vốn”.
“Chúng ta thay đổi cơ bản cách thức quản trị. Anh nào đã cổ phần hóa rồi thì dứt khoát phải lên sàn, dứt khoát phải công bố thông tin. Tuần này Chính phủ đốc thúc rất quyết liệt. Anh nào trốn tránh thì trước hết công khai lên để dân biết”.
“Doanh nghiệp thua lỗ trước đây thường xin cơ chế nọ kia. Bây giờ phân loại ra, nếu thua lỗ do vấn đề khách quan, khả năng còn tái cơ cấu được thì mới tập trung tái cơ cấu, không cho lạm dụng từ tái cơ cấu. Doanh nghiệp nào thua lỗ, dự án đầu tư không có hiệu quả (như gang thép Thái Nguyên bây giờ mà bỏ tiền vào nữa thì dứt khoát không được), dứt khoát phải xử lý”.
“Không nói đến tái cơ cấu mà nói là xử lý các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả. Nhà nước không cứu những anh như vậy, phải rõ ràng”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Nhiều DN quyết tâm cổ phần hóa nhưng không bán được cổ phiếu
Bày tỏ quan điểm tái cơ cấu nền kinh tế, theo Đại biểu Dương Quang Thành, đoàn Hà Nội, tái cơ cấu nền kinh tế, trước hết phải xem xét dựa vào cương lĩnh phát triển kinh tế của đất nước, trên cơ sở đó đưa ra những cơ chế, định hướng cho phù hợp.
Đại biểu Thành đề nghị, nên tập trung vào kịch bản 1 GDP đạt tốc độ tăng trưởng 7,01% với trọng tâm phát triển kinh tế tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài.
Về vấn đề cổ phần hóa DNNN theo đại biểu Thành, nhiều DN quyết tâm cổ phần hóa nhưng lại không bán được cổ phiếu, do thị trường đã bão hòa.
Thứ 2, tái cơ cấu về sở hữu trong đó thoái vốn nhà nước cần phải quyết liệt xem xét theo NĐ 37 cần phải thoái vốn, nếu nhà nước không giữ cổ phần chi phối thì cần phải thoái hết vốn để DN phát triển tốt hơn.
Phát triển kinh tế phải gắn liền với công nghiệp hóa, hiện đại hóa “tôi không thấy định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong đề án tái cơ cấu này, tái cơ cấu phải có công nghiệp mũi nhọn là chủ đạo, phải nêu ra lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn nào cần định hướng phát triển. Cụ thể, như sắt, thép, xi măng mặc dù không phải ngành mũi nhọn nhưng chúng ta phát triển còn cao hơn ngành mũi nhọn”, ông Thành nói.
Có chung quan điểm, Đại biểu QH Phạm Quang Thanh, TGĐ Tổng công ty Du lịch Hà Nội, đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội bày tỏ: Về tái cơ cấu nền kinh tế những mục tiêu chính đưa ra khó đạt được bởi, đề án viết kỹ nhưng quan trọng do triển khai không được chuẩn. Ông Thanh kiến nghị nên đầu tư tập trung tránh dàn trải, “hơn chục lĩnh vực trọng điểm nhưng tôi nghĩ chỉ cần rút lại 7 lĩnh vực. Cái gì hiệu quả làm trước vì chúng ta không có lợi thế nên phải đầu tư. Tôi cho rằng, đầu tư cho con người là tốt nhất, ít tiền và đầu tư được ngay. Về đóng tàu, sắt thép, xi măng, cái đấy to nhưng to tiền tốn vốn lại ít lãi”, ông Thanh nói.
Kiều Tuyết