THCL Hình ảnh Huyền Trân công chúa được các nghệ sĩ tái hiện đặc sắc qua hoạt cảnh sử thi “Nước non ngàn dặm”, đây là tiết mục nằm trong Chương trình lễ hội đền Huyền Trân năm 2017 với chủ đề “Ngưỡng vọng tiền nhân”.
Trong hai ngày 4,5/2 (ngày 8, 9 âm lịch) tại núi Ngũ Phong- phường An Tây- TP. Huế, được sự cho phép của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa- thể thao tỉnh đã tổ chức lễ hội đền Huyền Trân năm 2017 với chủ đề “Ngưỡng vọng tiền nhân”.
Lễ hội đền Huyền Trân năm nay được tổ chức quy mô hơn so với năm 2016, cụ thể sẽ có hai nội dung đó là phần lễ và phần hội. Phần lễ chính như Lễ Tiên Thường (cáo giỗ), lễ kỵ công chúa Huyền Trân với các chương trình sử thi, biểu diễn nghệ thuật hoạt cảnh rước công chúa Huyền Trân, hành lễ, lễ dâng hương,... Ban tổ chức còn phối hợp với các ban ngành địa phương tổ chức thi đấu cờ người, chơi bài chòi, múa lân, trải nghiệm làm các nghề truyền thống...
Sáng ngày 5/2 (tức mùng 9), phần lễ chính đã được Ban tổ chức tiến hành long trọng tại khu vực đền thờ công chúa Huyền Trân. Người dân và du khách thập phương đã được xem lại cuộc đời của vị công chúa nhà Trần qua hoạt cảnh sử thi do các nghệ sĩ của nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế biểu diễn.
Xuyên suốt trong chương trình nghệ thuật sử thi mang tên ‘Nước non ngàn dặm” những tiết mục nghệ thuật đã tái hiện lại cuộc đời của vị công chúa một cách chân thật nhất từ khi ở với vua cha cho đến khi làm vợ của Chế Mân đã thể hiện công lao to lớn của công chúa Huyền Trân. Sau màn nghệ thuật, ông Nguyễn Dung - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã đánh trống khai hội đền Huyền Trân năm 2017, đồng thời cùng với lãnh đạo tỉnh và người dân vào dâng hương tại điện thờ công chúa
Lễ hội sẽ kéo dài thời gian đến hết ngày 12/2 (tức ngày 16 tháng Giêng âm lịch), trong đó ngày mùng 9 âm lịch sẽ mở cửa miễn phí.
Huyền Trân công chúa là con gái của vua Trần Nhân Tông. Năm Bính Ngọ (1306), thực hiện lời hứa hôn của vua cha, kết hòa hiếu với lân bang, Huyền Trân công chúa lên đường sang Chiêm quốc kết duyên với Chế Mân và trở thành Hoàng hậu Chiêm quốc Paramesvari. Để đáp lại mối thịnh tình của vua Trần Nhân Tông, trước đó mấy tháng, Chế Mân cắt đất 2 châu Ô, Rí (vùng đất từ bờ nam sông Hiếu, Quảng Trị đến bờ bắc sông Thu Bồn, Quảng Nam) dâng lên nhạc phụ làm sính lễ. Kể từ đó, 2 châu này được sáp nhập vào Đại Việt.
Những hình ảnh được PV ghi nhận vào sáng nay (5/2) tại đền Huyền Trân Công Chúa.
Đình Duy