Trước đó, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp nhận và cứu hộ nhiều cá thể động vật hoang dã từ các tổ chức, cá nhân để chăm sóc, phục hồi tập tính. Trước khi thả về môi trường tự nhiên, những cá thể này được kiểm tra sức khỏe an toàn dịch bệnh, đủ thời gian cách ly kiểm dịch, đủ hồ sơ...
Sau nột thời gian tiếp nhận cứu hộ và chăm sóc, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đã phối hợp với các lực lượng chức năng tái thả 14 cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.
Đợt tái thả lần này bao gồm nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm, trong đó có 2 cá thể rùa Sa nhân (Cuora mouhotii), 2 cá thể rùa núi viền (Manouria impressa), 3 con cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus), 1 cá thể rùa đầu to (Platysternon megacephalum), 4 cá thể rùa hộp trán vàng Miền Trung (Cuora bourreti) và 1 cá thể kỳ đà vân (Varanus bengalensis).
Đặc biệt, trong đợt tái thả lần này, có một cá thể Voọc Hà Tĩnh (Trachypithecus hatinhensis), loài thuộc bộ linh trưởng nhóm IB, cực kỳ quý hiếm và nguy cấp, được bắt giữ trước đó vì hành vi tấn công người tham gia giao thông. Đây là loài động vật nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ thế giới, một trong những loài cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Khu vực tái thả được xác định là an toàn, phù hợp với sinh cảnh của loài, được lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ.
Lãnh đạo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thông tin thêm, trong năm 2024, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đã cứu hộ 125 cá thể, thả về môi trường tự nhiên 46 cá thể. Hoạt động này góp phần gìn giữ các giá trị tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Được biết, 14 cá thể động vật hoang dã được tái thả đợt này thuộc danh mục các loài động vật nguy cấp, quý hiếm theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Khánh Trình