Theo đó, để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế và ngăn chặn, xử lý các doanh nghiệp có hành vi gian lận, lợi dụng thông tin của cá nhân để khai, tính chi phí tiền lương, tiền công, nhằm mục đích trốn thuế, giảm nghĩa vụ thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Tổng cục Thuế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm minh đối với doanh nghiệp có hành vi gian lận, lợi dụng thông tin của cá nhân để khai, tính chi phí tiền lương, tiền công, nhằm mục đích trốn thuế, giảm nghĩa vụ thuế.
Theo Tổng cục Thuế, trong thời gian qua, cơ quan thuế nhận được một số phản ánh liên quan đến trường hợp doanh nghiệp sử dụng thông tin của cá nhân (tên, MST, số CCCD) để kê khai, tính chi phí tiền lương, tiền công khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi không phát sinh trả thu nhập trên thực tế cho cá nhân đó.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật về thuế, nhằm mục đích gian lận, giảm số tiền thuế phải nộp của doanh nghiệp. Đồng thời gây ảnh hưởng đến người nộp thuế là cá nhân khi bị doanh nghiệp tự ý sử dụng thông tin cá nhân.
Theo đó, để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế và ngăn chặn, xử lý nghiêm minh đối với doanh nghiệp có hành vi gian lận, lợi dụng thông tin của cá nhân để khai, tính chi phí tiền lương, tiền công nhằm mục đích trốn thuế, giảm nghĩa vụ thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại công văn số 4172/TCT-DNNCN ngày 20/9/2023 về việc đẩy mạnh xử lý hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân và công văn số 5862/TCT-TTKT ngày 22/12/2023 về việc chú trọng công tác kiểm tra thuế thu nhập cá nhân trong quá trình triển khai công tác thanh tra, kiểm tra thuế.
Cụ thể, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện những nội dung sau:
Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo tới các doanh nghiệp về việc tự ý sử dụng thông tin của cá nhân để kê khống số lượng người lao động, hạch toán khống chi phí nhân công. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về dân sự, hành chính và pháp luật hình sự; doanh nghiệp kê khai khống sẽ bị lưu vết và cơ quan thuế sẽ theo dõi, xử lý theo quy định pháp luật thuế và liên quan (nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự);
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cá nhân được biết về lợi ích của việc rà soát, chuẩn hóa MST cá nhân theo CCCD, CMND, số định danh cá nhân; về việc tra cứu thông tin người nộp thuế tại đường dẫn https://tracuunnt.gdt.gov.vn; và lợi ích của việc sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử do cơ quan thuế cấp, cài đặt ứng dụng eTax Mobile trên điện thoại thông minh và tra cứu thông tin về các nguồn thu nhập trên ứng dụng eTax Mobile để tự đảm bảo kiểm soát được đầy đủ, chính xác các nguồn thu nhập của bản thân.
Tổng cục Thuế cho biết, đã triển khai nâng cấp các chức năng tổng hợp dữ liệu quyết toán, tra cứu quản lý nguồn thu nhập,... trên các ứng dụng TMS, eTax Mobile để hỗ trợ cơ quan thuế các cấp trong quá trình xử lý, giải quyết hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Do đó, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố nghiên cứu để khai thác, sử dụng các chức năng trên hệ thống công nghệ thông tin, từ đó phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân, cũng như để hỗ trợ, phục vụ tốt hơn đối với người nộp thuế.
Trường hợp cơ quan thuế nhận được phản ánh của người nộp thuế về việc doanh nghiệp, tổ chức trả thu nhập tự ý sử dụng thông tin của cá nhân (tên, MST, số CCCD) để kê khai, tính chi phí khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân, trong khi không phát sinh trả thu nhập trên thực tế, đề nghị cơ quan thuế kịp thời có biện pháp kiểm tra, phối hợp với các cơ quan thuế có liên quan, để xác minh thông tin và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế theo đúng quy định pháp luật.
Căn cứ vào hành vi, mức độ vi phạm của người nộp thuế, cơ quan thuế thực hiện xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ hoặc theo quy định tại Điều 200 của Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Nguyễn Kiên