Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, thông tin với báo chí trong nửa đầu năm 2018, cả nước đã nhập khoảng 4 triệu tấn phế liệu các loại. Trong đó, lượng nhập khẩu nhựa phế liệu là 277.000 tấn, giấy phế liệu là 1,06 triệu tấn, sắt thép phế liệu là 2,7 triệu tấn. Tổng giá trị nhập khẩu khẩu phế liệu trong 6 tháng đầu năm là 1,2 tỷ USD, nghĩa là mỗi tháng người Việt nhập khẩu 200 triệu USD phế liệu.
Nhiều cảng ở Việt Nam đang quá tải kho chứa hàng phế liệu ( Ảnh Internet)
Được biết, trước thực trạng phế liệu nhập khẩu về cảng gia tăng, để kiểm soát, ngăn chặn phế liệu không đạt chất lượng, tiêu chuẩn theo quy định nhập khẩu, hoặc lợi dụng nhập khẩu phế liệu đưa hàng cấm, hàng lậu vào Việt Nam, ngày từ những tháng đầu năm 2018, lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM đã chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát, làm thủ tục đúng quy định đối với hàng phế liệu nhập khẩu.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 27/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường không cấp mới Giấy xác nhận, không gia hạn Giấy xác nhận đối với đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu; chỉ xem xét cấp mới, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với đơn vị nhập khẩu phế liệu để sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung và xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu theo hướng quy định chặt chẽ các điều kiện bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; không cấp phép cho các cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu; thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu trước khi phế liệu được nhập vào lãnh hải, lãnh thổ Việt Nam. Rà soát các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường mà Việt Nam đã tham gia, rà soát các quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa nhóm 2 là phế liệu nhập khẩu tại Việt Nam để không trái với các cam kết quốc tế.
Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng phế liệu nhập khẩu, đồng thời để thuận lợi cho công tác giám định phế liệu nhập khẩu, hoàn thành và ban hành trong quý III/2018.
Từng phát biểu tại cuộc họp báo vào cuối tháng 7/2018, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết hải quan sẽ siết chặt việc nhập khẩu phế liệu trong thời gian tới. Ngoài ra, các container phế liệu nhập khẩu trái phép sẽ cương quyết bị yêu cầu phải tái xuất.
Bên cạnh việc nhập khẩu sắt thép phế liệu, máy móc, hiện một số phế liệu khác còn được nhập khẩu về Việt Nam trong đó có tàu thuyền cũ, lốp xe ô tô. Hầu hết mặt hàng này đang nằm phần lớn ở các cảng biển, trong đó đặc biệt là các cảng biển quốc tế.
Theo các chuyên gia thương mại, mục đích của việc nhập khẩu lốp ô tô cũ là sơ chế và làm nhiên liệu phục vụ cho các nhà máy sản xuất kính và các sản phẩm thủ công nghiệp. Tuy nhiên, những sản phẩm này đã và đang gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và gây ô nhiễm môi trường.
Hoàng An