Tăng trưởng tín dụng bị tác động
Theo đó, Thông tư số 06/2023/ TT-NHNN quy định: Cấm ngân hàng cho vay với mục đích đảo nợ, yêu cầu kiểm soát cho vay bất động sản và chứng khoán, siết cho vay phục vụ nhu cầu đời sống để kiểm soát rủi ro đến các khoản vay phục vụ đời sống liên quan đến bất động sản.
Một số chuyên gia có ý kiến, Thông tư này nhằm hạn chế và kiểm soát một số hoạt động cho vay rủi ro. Trong ngắn hạn, điều này có thể tác động nhẹ tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, trong dài hạn sẽ làm chất lượng tài sản các ngân hàng được bảo đảm hơn.
Cũng tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN, ngân hàng không được cho vay với các mục đích như vay để gửi tiền; vay để thanh toán tiền mua, góp vốn, nhận chuyển nhượng cổ phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh… Giới chuyên gia đánh giá quy định này có thể giúp giảm rủi ro tín dụng cho hệ thống ngân hàng tuy nhiên có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.
Đáng chú ý là Thông tư mới bổ sung nội dung kiểm soát cho vay để trả nợ khoản vay tại các tổ chức tín dụng, trả nợ khoản vay nước ngoài nhằm phòng ngừa và ngăn chặn việc phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng. Đây là giải pháp tăng cường quản lý hoạt động đảo nợ, kiểm soát cho vay bất động sản và chứng khoán nhưng được cho là có thể khiến ngân hàng e dè và thận trọng hơn...
Tháo gỡ nhiều nội dung
Mặc dù có nhiều ý kiến, song, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định Thông tư 06/2023/TT-NHNN tháo gỡ rất nhiều nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần cung ứng thêm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế.
Trong đó, bổ sung quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử (eKYC) của tổ chức tín dụng đối với khách hàng nhằm tạo thuận lợi hơn nữa trong triển khai hoạt động cho vay. Điều này cũng phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và định hướng, chủ trương, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11-5-2021.
Thông tư 06/2023/TT-NHNN sẽ thúc đẩy các tổ chức tín dụng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số hơn nữa vào hoạt động cho vay, từ đó rút ngắn quy trình, thủ tục, để khách hàng tiếp cận các khoản vốn vay nhanh hơn, thuận tiện hơn. Việc này sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực cho việc phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng triển khai eKYC khách hàng vay vốn dựa trên việc khai thác dữ liệu định danh cá nhân. Việc này gia tăng nguồn thông tin chính thống rất có giá trị, bảo đảm hoạt động eKYC lành mạnh, minh bạch, an toàn, phòng ngừa kịp thời rủi ro gian lận, rửa tiền, tội phạm, tiết kiệm chi phí và nguồn lực xã hội...
Đối với nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình, khách hàng không cần phải có phương án, dự án. Theo đó, phương án sử dụng vốn của khách hàng chỉ cần có thông tin về tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn, và nguồn trả nợ của khách hàng, mà không cần phải xây dựng phương án, dự án cụ thể phục vụ nhu cầu đời sống...
Ngoài ra, Thông tư 06/2023/TT-NHNN còn bổ sung quy định tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống. Việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại tổ chức tín dụng khác áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng khác.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, những quy định mới không “siết” điều kiện cho vay đối với khách hàng, bởi, theo quy định hiện hành, khách hàng vay vốn phải đáp ứng 3 điều kiện gồm: Mục đích vay vốn hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ. Tuy nhiên đối với biện pháp bảo đảm trong hoạt động cấp tín dụng, việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm là do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc dễ thống nhất giữa 2 bên trong quá trình quản lý khoản vay và trả nợ.
Thực tế, thời gian qua, tổ chức tín dụng đã và đang thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm tiền vay với nhiều loại hình tài sản khác nhau, như ô tô, tài sản hình thành trong tương lai, hàng hóa luân chuyển, quyền đòi nợ... hoặc cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả... Tài sản thế chấp chỉ là một trong các điều kiện quan trọng nhưng không phải là điều kiện hàng đầu, cũng như không phải là điều kiện bắt buộc theo quy định của pháp luật trong việc bảo đảm hoàn trả cho khoản vay.
Hồng Nhung (T/h)