Theo đó, nhằm chủ động, bảo đảm ổn định thị trường xăng dầu trên địa bàn thành phố, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, vi phạm về chất lượng, đo lường và các hành vi gian lận thương mại khác trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành chức năng như: Công an thành phố, Cục QLTT TP Hà Nội, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ nắm chắc tình hình để xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định trong kinh doanh xăng dầu đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ để chủ động, kịp thời phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, hạn chế thời gian bán hàng, vi phạm về chất lượng, đo lường và các hành vi gian lận thương mại khác trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên nắm bắt, cập nhật diễn biến tình hình thị trường; tăng cường công tác phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; tiến hành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm của công chức quản lý địa bàn, người đứng đầu đơn vị nếu trên địa bàn để xảy ra tình trạng buôn lậu, kinh doanh xăng dầu kém chất lượng; đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng xăng dầu mà gây bức xúc dư luận.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, vận động các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh; cam kết bảo đảm lượng hàng dự trữ, ổn định giá cả các mặt hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố.
H.M