Thời gian qua, Bộ Công Thương thường xuyên trao đổi, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại (XTTM) áp dụng ngay các phương thức XTTM hiệu quả trong mùa dịch như XTTM thông qua nền tảng số, trên môi trường thương mại điện tử, khai thác các ứng dụng CNTT như phần mềm ứng dụng trên máy tính và điện thoại di động... trong hoạt động XTTM. Trước mắt, ưu tiên triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu; tuyên truyền quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và thế giới. Đây là các hoạt động XTTM ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thay thế hiệu quả các hoạt động XTTM truyền thống không thể thực hiện được, duy trì kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh và chuẩn bị trước cho các hoạt động XTTM trực tiếp đẩy mạnh xuất khẩu sau dịch.
Ảnh minh họa
Ưu tiên triển khai các đề án XTTM quốc gia, các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, châu Âu, Hoa Kỳ, các nước CPTPP... đặc biệt khai thác các thị trường/khu vực thị trường hiện đang có các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, trên cơ sở các hoạt động triển khai linh động bám sát vào tình hình hồi phục và nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch tại các thị trường và công tác tổ chức cần lưu ý kết hợp nhiều sự kiện trong 1 hoạt động, chú trọng khâu chuẩn bị thông tin thị trường, quảng bá, tìm kiếm, kết nối với nhà nhập khẩu tiềm năng trước các sự kiện.
Bộ cũng đã có nhiều biện pháp nhằm tìm kiếm, giới thiệu, kết nối cho doanh nghiệp, hiệp hội trong nước với đối tác nước ngoài. Đi cụ thể vào từng mặt hàng, từng thị trường; thay đổi phương thức kết nối giao thương; phát huy vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài...
Cụ thể, Bộ Công Thương đã tổ chức giao thương trực tuyến cho doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Ấn Độ và doanh nghiệp Trung Quốc, qua đó giúp cho doanh nghiệp 3 bên nhanh chóng trao đổi, ký kết các hợp đồng và thỏa thuận ngay trong thời gian đang diễn ra dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội.
Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến "Xúc tiến thương mại giày dép Việt Nam - Hoa Kỳ hậu Covid-19" nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giày dép Việt Nam tìm hiểu tình hình, xu hướng và cơ hội thị trường, thúc đẩy xuất khẩu giày dép sang thị trường Hoa Kỳ trong và sau dịch Covid-19.
Phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Singapore và Liên đoàn sản xuất Singapore tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thủy sản, thực phẩm Việt Nam - Singapore 2020. Hơn 100 doanh nghiệp nông sản, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam và Singapore đã tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19 gây cản trở hoạt động XTTM trực tiếp của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đã tập hợp, biên soạn tài liệu 5.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam phân loại theo nhóm hàng, ngành hàng và theo nhu cầu thị trường cụ thể của các doanh nghiệp và đã gửi hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại phía Bạn kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Hiện đang tiếp tục phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng và cơ quan liên quan mở rộng danh mục này trong thời gian tới lên khoảng 100.000 doanh nghiệp.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi, cụ thể: Xây dựng Cẩm nang xuất khẩu đối với ngành hàng xuất khẩu tiềm năng sang các nước thành viên CPTPP và EVFTA, Bản tin thị trường trực tuyến cập nhật thông tin thị trường, ngành hàng của các nước thành viên CPTPP và EVFTA; Phối hợp với các Thương vụ Việt Nam và các cơ quan xúc tiến thương mại ở nước ngoài tổ chức các diễn đàn Doanh nghiệp – Kinh doanh – Đầu tư (trực tiếp và trực tuyến), giới thiệu cơ hội tiềm năng khai thác CPTPP và EVFTA.
Anh Minh