Cục Hàng không Việt Nam (CAAV), Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu để đảm bảo tính khả thi phát triển sân bay. Những yếu tố then chốt trong nghiên cứu bao gồm tạo sự cân bằng về số lượng sân bay, thiết kế và cấu trúc tổng thể, quy mô, khung pháp lý nhằm thực hiện quy hoạch.
Việt Nam có kế hoạch tăng số lượng sân bay lên con số 28 vào năm 2030 và 31 vào năm 2050. Thu hút đầu tư tư nhân bằng phương thức đối tác công - tư (PPP) cũng là một giải pháp nhằm giảm áp lực ngân sách Nhà nước cho kế hoạch trên.
Theo ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam thì, lựa chọn mô hình phát triển sân bay nội địa hay quốc tế cũng là một yếu tố quan trọng khi xem xét phát triển trong dài hạn. Bài học từ các nước khác cũng đã chứng minh tầm quan trọng của điều này. Ở Hàn Quốc, nhiều địa phương có sân bay và việc này hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển của địa phương. Phát triển sân bay nhỏ sẽ thật sự cần thiết và hữu ích nếu các sân bay nhỏ có thể hỗ trợ các sân bay lớn hơn.
Ở nhiều nước, sân bay được phát triển như những thành phố nhỏ, đáp ứng các nhu cầu của hành khách, từ đó giúp tăng cường sức mua, thúc đẩy phát triển du lịch.
Ngoài ra, phát triển sân bay cũng cần lưu ý phát triển hạ tầng kết nối như đường bộ, giúp kết nối sân bay với hạ tầng khác.
Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam phân tích: Để phát triển sân bay, hạ tầng kết nối đóng vai trò rất quan trọng, bao gồm kết nối đường bộ, đường sắt và đường biển. Trong 20 năm qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều ví dụ điển hình về phát triển kinh tế - xã hội, giao thông kết nối đến các tỉnh, thành phố đã được cải thiện đáng kể.
Tầm quan trọng của sân bay thực sự phụ thuộc vào chiến lược phát triển của tỉnh, thành phố. Ví dụ, tỉnh Hà Giang ở niềm núi phía Bắc, muốn phát triển du lịch nhằm tận dụng lợi thế vẻ đẹp thiên nhiên. Hà Giang cách Hà Nội khoảng 300 km và di chuyển bằng đường bộ đến đây mất vài giờ đồng hồ, nên khó hấp dẫn du khách quốc tế. Do vậy, phát triển sân bay là cần thiết để tạo thuận lợi hơn cho du khách. Khách du lịch tăng sẽ kéo theo phát triển khách sạn và các hạ tầng hỗ trợ khác như cửa hàng, nhà hàng.
Vấn đề chính ở đây là vốn đầu tư xây dựng sây bay. Những yếu tố cần xem xét khi xây dựng sân bay là ước tính chi phí đầu tư ban đầu, đội vốn do trì hoãn thi công, quản lý...
Tiếp theo, cần có kế hoạch làm thế nào để tối đa hoá doanh thu từ các khu vực thương mại trong và xung quanh sân bay. Các công ty tư vấn quốc tế có thể hỗ trợ việc này.
Mô hình thường được sử dụng và đã được áp dụng ở một số sân bay như Cam Ranh (Việt Nam), Phnom Penh, Siem Riep (Campuchia) là mô hình PPP.
Thực tế hiện nay, các nhà đầu tư tư nhân rất quan tâm đến quy hoạch nói chung và quy hoạch phát triển hạ tầng, sân bay của Việt Nam. Nếu cơ chế pháp lý được xây dựng tốt tạo điều kiện cho việc huy động vốn của dự án, các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng bỏ vốn lớn.
Ảnh trong bài chỉ có tính chất minh họa!
Vân Quỳnh (t/h)