Số liệu kinh tế các tháng Bảy và tháng Tám cho thấy, hoạt động xuất, nhập khẩu cơ bản vẫn giữ được đà tăng tích cực. Đáng chú ý, xuất khẩu tháng Tám tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Cùng với đó, khu vực công nghiệp vẫn cho thấy sự phục hồi tốt; khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá.
Tình hình tài chính - ngân sách Nhà nước tiếp tục được cải thiện; Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Thu hút FDI đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7%; vốn FDI thực hiện đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8%, cao nhất trong 5 năm qua.
“Sau khi đã phục hồi rất mạnh trong nửa đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo sẽ chững lại trong nửa cuối năm 2024, do nhu cầu trên toàn cầu, nhất là tại Hoa Kỳ, dự kiến sẽ chậm lại”, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho rằng, dù thương mại xuất, nhập khẩu vẫn đóng vai trò tích cực nhưng quy mô, mức độ sẽ giảm xuống, không còn được như nửa đầu năm, do đó sẽ kéo tăng trưởng chung giảm xuống.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cần phát huy hiệu quả hơn nữa các động lực truyền thống (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng), đồng thời khai thác tốt hơn các động lực mới (kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng...), kết hợp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ tài khóa cũng như tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp chính sách (nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác) để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, ổn định thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thể hiện, với những kết quả đạt được cho đến nay, dự kiến cả năm sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra, trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. Trong đó về chỉ tiêu tăng trưởng GDP, ước thực hiện cả năm đạt 6,8%, vượt mục tiêu đề ra.
Riêng chỉ tiêu GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 4.647 USD (xấp xỉ đạt mục tiêu 4.700-4.730 USD đề ra). Đây là nguyên nhân khách quan khi đồng tiền của nhiều nước mất giá mạnh so với đồng USD từ đầu năm đến nay.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những tháng cuối năm, trong trường hợp Fed giảm lãi suất, tỷ giá trong nước ổn định và giảm dần phù hợp với diễn biến thị trường, cùng với đó tăng trưởng GDP đạt cao hơn 7% thì chỉ tiêu này vẫn có thể sẽ đạt được, qua đó hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu.
PV (t/h)