Tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm: Tìm giải pháp hiện thực hóa mục tiêu - Hình 1

Kinh tế nước ta đã đi qua nửa chặng đường kế hoạch năm 2017 (Ảnh minh họa)

Kiên định mục tiêu

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Trước hết, Chính phủ giữ quan điểm mục tiêu là 6,7%, vì đây là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, cũng như Nghị quyết Quốc hội về phát triển KT-XH 5 năm. Đây là năm bản lề hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo và có thể đạt được mục tiêu đề ra cho kế hoạch 5 năm.

Mặt khác, nhu cầu phải phát triển nhanh để chống tụt hậu với các nước trong khu vực. Thứ nữa là, tạo nguồn lực để đầu tư phát triển cho các giai đoạn sau, cũng như duy trì sự ổn định cân đối lớn như nợ công, thu ngân sách, tạo việc làm, chi cho an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, từ đó góp phần cho ổn định chính trị và xã hội.

Quan điểm của Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá và không đánh đổi các nội dung liên quan đến môi trường hay bất ổn kinh tế. Đồng thời, xác định ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu và giải pháp căn cơ và căn bản là khơi dậy mọi tiềm năng và tận dụng mọi cơ hội có thể phát triển.

Về các giải pháp, Chính phủ đã xây dựng Chỉ thị 24 để cụ thể hóa các giải pháp cho các bộ, ngành. Từ đó, các bộ, ngành sẽ xây dựng các kịch bản, các mục tiêu tăng trưởng cho từng ngành, từng lĩnh vực với các giải pháp phù hợp.

 Theo đó, có 2 nhóm giải pháp cơ bản: Một là, nhóm giải pháp lâu dài đó là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại cải cách thể chế cũng như tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước. Về các giải pháp ngắn hạn mà có thể thực hiện ngay trong năm 2017, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng này thì phải tháo gỡ các vướng mắc cho DN, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực để phát triển.

Hai là, đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn thì cũng đang được triển khai một cách tích cực. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện của các bộ, ngành để điều chỉnh kịp thời.

“Về mục tiêu 6,7% đây là mục tiêu được cho là cao, nhưng Chính phủ thấy cũng hoàn toàn có cơ sở để phấn đấu, với điều kiện tất cả phải cùng triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp và phải có sự tham gia của tất cả trong hệ thống chính trị, kể cả người dân và DN. Đây là mục tiêu cao, cũng là mục tiêu phấn đấu và có cơ sở để đảm bảo được kế hoạch 5 năm”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Tạo bước đột phá

Đưa ra ý kiến tâm huyết và xác đáng tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, ĐB Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai) đã đặt câu hỏi: Làm thế nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 như quyết tâm của Chính phủ và tạo được điều kiện để có sự tăng trưởng cao hơn và bền vững trong các năm tiếp theo?

Bởi hiện tại, với mức tăng trưởng GDP quý I chỉ ở mức 5,1% thấp hơn mức 5,5% của cùng kỳ năm ngoái và còn rất xa so với mục tiêu 6,7% của cả năm. Một số chuyên gia nhận định đây là chỉ tiêu bất khả thi, không có cách nào đạt được vì muốn đạt được mục tiêu này thì tăng trưởng các quý còn lại phải trên 7%, nhưng điều này là không thể bởi để tăng trưởng thì phải duy trì được năng suất cao, nhưng năng suất của Việt Nam lại đang đi xuống.

Với quan điểm này, đòi hỏi Chính phủ cần tạo ra đột phá để trong 3 quý cuối năm đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/quý, bảo đảm cả năm đạt 6,7%, đồng thời tạo đà cho năm 2018.

“Đồng tình không chạy theo số lượng, nhưng theo tôi, cần đặt cả 2 mục tiêu số lượng và chất lượng như nhau, vì GDP là một trong 4 mục tiêu quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô đó là tăng GDP, ổn định giá cả, tăng việc làm, giảm thất nghiệp và tăng xuất khẩu. Nếu năm 2017 vẫn không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% thì 2 năm liền chúng ta không đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng và trong 3 năm còn lại sẽ khó khăn hơn.

Nhìn xa hơn, nếu trong 20 năm (từ 2016 - 2035), nền kinh tế không đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm, để GDP đầu người tăng 6%/năm thì Việt Nam không còn cơ hội thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Do vậy, mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 là rất quan trọng đối với lộ trình 20 năm tới. Tuy nhiên, theo dự báo, nếu không có nhân tố mới thì GDP năm 2017 chỉ tăng 6,2%. Như vậy, so với mục tiêu tăng 6,7% thì sẽ thiếu hụt 0,5%.

Vấn đề đặt ra là, chúng ta cần xác định các dư địa có khả năng khai thác để có giải pháp tăng thêm 0,5% này, nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến các mục tiêu khác của kinh tế vĩ mô như áp lực lạm phát, tăng nợ công, tăng nợ xấu của ngân hàng thương mại”, ĐB Hà chỉ rõ.

Các nhóm giải pháp

Trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay, bên cạnh 6 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề cập tới trong báo cáo, theo ĐB Hà, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng có tác dụng nhanh đó là tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Cụ thể, tăng khối lượng tiền tệ so với kế hoạch đề ra, tương ứng với việc tăng thêm khoảng 2% tổng dư nợ tín dụng. Theo kế hoạch từ 18% - 20%, bao gồm cả tín dụng đầu tư, tiêu dùng và những lĩnh vực, đối tượng có tốc độ giải ngân nhanh nhất trong năm 2017.

Với mức tăng tín dụng 2% - sẽ không gây lạm phát tiền tệ bởi lạm phát cơ bản cho đến nay vẫn diễn biến thuận lợi. Quý I, lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,66% so với bình quân năm 2016. Ngay cả tình huống năm 2017, CPI tăng bình quân cao hơn 4% so với năm 2016 nhưng dưới 5% cũng chỉ có tác động kích thích tăng trưởng không đáng lo ngại.

Tuy nhiên, kèm theo giải pháp này phải không điều chỉnh tăng giá điện và giá cả các loại dịch vụ công khác như y tế, giáo dục từ nay đến cuối năm.

Bên cạnh đó, kích thích tăng tiêu dùng dân cư và đầu tư tư nhân thông qua các biện pháp mở rộng tín dụng tiêu dùng, tháo gỡ các thủ tục hành chính để thúc đẩy các công trình xây dựng đầu tư tư nhân, nhất là các thủ tục đầu tư xây dựng của DN.

 Đặc biệt, phải có các biện pháp giải ngân nhanh, đầu tư công trong năm 2017, bao gồm các dự bán BOT, BT, các dự án hạ tầng giao thông. Nếu hết quý III, chúng ta giải ngân được 70% vốn đầu tư trong năm, thì tác động lan tỏa sẽ rất lớn trong quý IV.

Chính phủ hiện đang chỉ đạo rất quyết liệt với quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%, tìm ra dư địa của nền kinh tế để khai thác tiềm năng tăng trưởng, nhất là tháo gỡ những điểm nghẽn đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng.

“Nút thắt lớn nhất hiện nay vẫn là thủ tục hành chính. Mặc dù Thủ tướng rất quyết tâm để cải cách nhưng trên thực tế, thủ tục hành chính vẫn là nút thắt kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

 Cụ thể, trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư, hầu hết các dự án đều phải chờ bộ, ngành có liên quan phê duyệt với thủ tục rất phức tạp làm nản lòng không chỉ nhà đầu tư mà ngay cả chính quyền địa phương. Theo Luật Đầu tư, Luật Xây dựng mới thì số dự án công trình phải thông qua bộ, ngành nhiều hơn trước đây…

Trần Nguyên