Sản phẩm của HTX Trà Kim Thoa trên sàn thương mại điện tử postmart.vn
Sản phẩm của HTX Trà Kim Thoa trên sàn thương mại điện tử postmart.vn

Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến, đem lại sự thuận lợi cho người tiêu dùng cũng như các chủ doanh nghiệp. Hòa vào xu thế đó, các sản phẩm nông sản của tỉnh Thái Nguyên cũng đã được các ngành chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Thời gian đầu, khi các sản phẩm nông sản mới được đưa lên sàn Voso.vn, Postmart.vn, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nên nhiều người biết đến và tìm mua với số lượng tương đối nhiều. Tuy nhiên, với xu thế phát triển chung của các mạng xã hội cộng với việc không được duy trì tuyên truyền thường xuyên nên gần đây, hầu như việc bán hàng qua các sàn thương mại điện tử trong nước gặp khó khăn hơn. Chia sẻ về vấn đề này, chị Tống Thị Kim Thoa, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè Kim Thoa, TP. Thái Nguyên cho biết: HTX đã được các cơ quan chức năng tập huấn, tuyên truyền về việc đăng bài, tải app để đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Thời gian đầu khi mới đăng bán, sản phẩm chè của HTX cũng được người tiêu dùng quan tâm và đặt mua nhiều, nhất là trong thời kỳ Covid-19. Tuy nhiên, vì thiếu nhân lực để làm công tác quảng bá và đăng tải sản phẩm thường xuyên nên dần dần số lượng hàng bán ra trên các sàn thương mại nội địa bị sụt giảm đáng kể. Hơn nữa, đôi khi sàn thương mại Voso.vn hoạt động không ổn định, không thể truy cập được. Mặt khác, do xu thế phát triển của mạng xã hội có nhiều người dùng nên khoảng 2 năm gần đây, HTX chủ yếu bán hàng qua kênh Facebook, Zalo, Tiktok… Thông qua các mạng xã hội này, người dùng có thể tương tác trực tiếp với người bán hàng và đặt mua các đơn hàng với giá trị lớn hơn so với các sàn thương mại điện tử.

Các sản phẩm của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia
Các sản phẩm của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia

Còn với Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, sản phẩm của Công ty mới lên sàn thương mại shopee được khoảng 5 năm nhưng hiện nay, hàng trăm mã sản phẩm là các loại nấm của Công ty đang có sức tiêu thụ rất tốt.

Bà Trần Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia cho biết: Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cả về mặt số lượng và chất lượng, các sản phẩm nấm của Công ty luôn được thực hiện đầy đủ các quy trình theo đúng kỹ thuật hiện đại. Đặc biệt, Nấm Phú Gia là công ty đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ USDA và châu Âu EU. Hàng năm, các tổ chức thẩm định đều đến Công ty để kiểm tra và đánh giá lại các sản phẩm đã được cấp chứng nhận để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho sản phẩm.

Từ những sự ghi nhận đó, hàng tháng, số lượng hàng bán ra trên sàn thương mại điện tử hoặc trang web của Công ty chiếm khoảng 40% tổng doanh số bán hàng. Công ty có đội ngũ chuyên nghiệp làm công tác truyền thông, quay phim, chụp ảnh quy trình, máy móc, sản phẩm… để quảng bá các hình ảnh trên internet. Vì vậy, sản phẩm nấm của Công ty rất được người tiêu dùng ưa chuộng, tin tưởng và tìm mua. Không những thế, giờ đây sản phẩm của Công ty còn vươn ra các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, các nước Châu Âu…

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Nông nghiệp tỉnh đã cấp hỗ trợ trên 662.000 tem truy xuất nguồn gốc QR-Code cho các sản phẩm nông sản, giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu lý lịch sản phẩm, từ đó tạo niềm tin đối với nông sản của tỉnh. Ngoài ra, Sở chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cung cấp danh sách các cơ sở có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh, cơ sở được cấp xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để đăng tải trên website của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại các hệ thống siêu thị, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên cả nước, các hội chợ thương mại quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; phối hợp tổ chức các ngày hội livestream sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên tại một số sự kiện, thu hút đông đảo người xem và mua sản phẩm…

Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để đẩy mạnh bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, quan trọng nhất vẫn là thay đổi quy trình sản xuất của các doanh nghiệp, HTX để tạo ra những sản phẩm thực sự chất lượng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Trong thời gian tới, để sản phẩm nông sản của tỉnh được tiêu thụ mạnh mẽ hơn nữa trên các sàn thương mại điện tử, Sở sẽ lồng ghép tập huấn tuyên truyền để chuyển tải những chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong sản xuất nông sản an toàn, hữu cơ; thay đổi nhận thức của các hộ sản xuất nông nghiệp, tạo sức bật và động lực đưa nông sản Thái Nguyên lên các sàn thương mại điện tử. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh như chè, quả (na, nhãn, bưởi), gỗ, quế, lợn, gà, trứng gà; các sản phẩm OCOP...

Với sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền, cùng với sự thay đổi nhận thức, dám nghĩ, dám làm trong cách thức kinh doanh trên môi trường số sẽ giúp cho các sản phẩm nông sản của tỉnh Thái Nguyên được bán ra nhiều hơn trên các sàn thương mại điện tử. Điều đó không chỉ đem lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp mà còn góp phần hoàn thành chỉ tiêu về phát triển kinh tế số trong chương trình Chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. 

Thanh Mai