Là đơn vị đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng theo chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất, chế biến tới phân phối, tập đoàn TH đã thành công khi đưa các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao ra thị trường như sữa tươi sạch mang thương hiệu TH true MILK, rau sạch FVF, nước uống dược liệu TH Herbals. Hiện nay, tập đoàn tiếp tục đi vào nhóm cây ăn quả, dược liệu, phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến nước hoa quả, nước uống dược liệu sạch phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Khi triển khai Dự án sữa tươi sạch TH true MILK năm 2009, Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH – bà Thái Hương nhận thấy rằng: “Công nghệ cao là chìa khóa vàng cho phát triển nông nghiệp Việt Nam”. Trong nông nghiệp công nghệ cao, chính sách thu hút những doanh nhân có dủ Tâm – Trí – Lực vào lĩnh vực này rất quan trọng. Chính doanh nghiệp mới là trụ cột, tạo hiệu ứng để định hướng cho nông dân đi cùng.
Thời gian qua, Chính phủ đã không ngừng hỗ trợ cho hướng đi đúng đắn này của doanh nghiệp. Chúng ta đã thấy thành quả ở đây là bước chuyển dịch vô cùng quan trọng ở tỉnh miền núi Sơn La khi mời gọi đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn với nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tích cực. Sau những khảo sát bài bản và chi tiết, tập đoàn TH đã tìm thấy mảnh đất này tiềm năng to lớn để triển khai đầu tư dự án nước hoa quả, dược liệu.
Ông Nguyễn Quang Phi Tín, Giám đốc dự án của TH phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư sáng 17/7
Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất nước hoa quả, dược liệu tại Sơn La của tập đoàn TH được tư vấn đầu tư bởi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á có quy mô đầu tư 2.300 tỷ đồng. Trong đó, chia làm 2 dự án: Dự án 1 có quy mô đầu tư 1.200 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến hoa quả và đồ uống dược liệu ứng dụng công nghệ cao; Dự án 2 có quy mô đầu tư 1.100 tỷ đồng phát triển vùng trồng rau củ quả, một số cây đặc sản phù hợp với thổ nhưỡng (cây cam) và cây dược liệu (táo mèo, sơn tra…).
Với sự vào cuộc nhanh chóng của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, sự chỉ đạo sát sao và mạnh mẽ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, khi các cam kết đầu tư được ký kết, tập đoàn TH đã được bàn giao 1.035 ha đất tại 2 huyện Vân Hồ và Mộc Châu để triển khai các hạng mục xây dựng nhà máy chế biến, phát triển vùng nguyên liệu. Tập đoàn đã tiếp nhận 20ha đất để thực hiện các hạng mục xây dựng nhà máy, còn lại hai bên sẽ cùng nhau khảo sát, tuyên truyền vận động người dân cho doanh nghiệp thuê lại đất. Sau khi nhận chứng nhận đầu tư, Tập đoàn TH đã có thể tiến hành triển khai ngay các hạng mục đầu tiên của Dự án theo kế hoạch.
Thực tế cho thấy, ở vùng Mộc Châu, sản phẩm nông nghiệp khá đa dạng. Tuy nhiên, những nương ngô dù xanh tốt cũng chỉ mang lại thu nhập 14,9 triệu đồng/ha. Báo cáo của ngành nông nghiệp có nhận định, các mô hình sản xuất nông nghiệp ở đây vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp; thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, thiếu ổn định; năng lực quản lý và tổ chức sản xuất của các HTX, doanh nghiệp còn hạn chế thiếu kỹ thuật công nghệ cao, thiếu kinh nghiệm trong tổ chức quản lý.
Trong thời gian tới, nhận định này sẽ không còn đúng nữa khi tập đoàn TH đưa khoa học công nghệ và khoa học quản trị vào tổ chức sản xuất, thúc đẩy tạo ra sản phẩm nông sản đạt chất lượng quốc tế và sản lượng hấp dẫn. Riêng về sản phẩm rau củ quả, với cách làm này tại Nghệ An tập đoàn đã tạo ra được doanh số 2 tỷ đồng/ha và lợi nhuận khoảng 20 – 25%, tương đương 500 – 600 triệu/ha. Với khí hậu thuận lợi như Sơn La, tập đoàn sẽ nỗ lực hết sức để mỗi ha đất mang lại giá trị cao nhất.
Ông Nguyễn Quang Phi Tín – Giám đốc Dự án cho biết, về cơ chế đất đai, tập đoàn TH sẽ thuê đất, cùng bàn với lãnh đạo tỉnh trả bà con thu nhập chênh lệch địa tô bình quân ở mức hợp lý. Tập đoàn thuê thấp nhất trong thời gian 20 năm và cao là 30 năm; 5 năm điều chỉnh giá một lần nhưng không quá 5%. Cùng với đó, tập đoàn cam kết sẽ nhận 100% lao động địa phương vào làm việc, trừ lao động kỹ thuật mà địa phương không cung cấp được. Riêng nhà máy chế biến nước hoa quả và dược liệu dự kiến tiếp nhận 200 lao động.
Tuy nhiên, mọi dự án đầu tư đều không thể thuận lợi tất cả, dù áp dụng nông nghiệp công nghệ cao sẽ giảm thiểu tác động từ thiên nhiên nhưng vẫn nhiều rủi ro. Do vậy, cần phải có chính sách hỗ trợ tích cực từ phía địa phương..
Được biết, tỉnh Sơn La đã có Nghị quyết số 88/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015 – 2020; có kế hoạch về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn toàn tỉnh…cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác.
“Chúng tôi tin rằng, đây sẽ là đòn bẩy hữu hiệu để giúp tập đoàn TH trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam ứng dụng công nghệ cao sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn Global Gap, Organic (hữu cơ) cho ra đời các sản phẩm nông sản chất lượng cao có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên”, ông Nguyễn Quang Phi Tín nhấn mạnh.
Đây là những bước đi quan trọng trong lộ trình xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng mà TH đang theo đuổi với sứ mệnh “Vì sức khỏe cộng đồng” bằng các dự án phát triển các sản phẩm từ việc kết hợp sữa và các loại dược liệu phổ thông và quý hiếm, cũng như các loại ngũ cốc truyền thống ngàn đời, có ảnh hưởng sâu sắc và có tác dụng trực tiếp đến sức khỏe con người. Sự nghiêm túc, chân chính đó của TH khi tạo dựng lộ trình đó sẽ giúp TH tạo nên những kỳ tích trong nông nghiệp, đưa thương hiệu nông sản Việt Nam kiêu hãnh ra thế giới.
PV