Phải “biến nguy thành cơ”

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân nhằm huy động hiến kế sáng tạo, chủ động và đóng góp cho kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã nhận được được thông tin ở một số nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…) sẽ phục hồi sản xuất rất nhanh, Việt Nam cần phải đón bắt thời cơ này. Như chiếc lò xo bị nén lại, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế vươn lên – “biến nguy thành cơ”.

Đại diện các tập đoàn, DN có mặt tại buổi làm việc đều bày tỏ tin tưởng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm phát triển kinh tế.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Paldovina

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Paldovina

Phó tổng giám đốc Vietjet, bà Hồ Ngọc Yến Phương cho biết, trong thời gian qua, hãng đã phục vụ không ít chuyến bay, đoàn khách miễn phí. Thậm chí, khởi động Ủy ban khẩn cấp phòng chống dịch vào ngày 21/1/2020, góp phần vào công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Bà Phương đề xuất, Chính phủ triển khai một số giải pháp hỗ trợ lĩnh vực hàng không. Trong đó, có việc miễn thuế NK và thuế BVMT cho nhiên liệu bay; miễn giảm từ 50 - 70% phí dịch vụ hoạt động hàng không như chi phí cất hạ cánh, các chi phí tại các cảng hàng không; giãn thời gian nộp các loại thuế, phí ít nhất 6 tháng. Cùng với đó là thúc đẩy thu hút đầu tư hạ tầng hàng không như nhà ga, sân đỗ, các công trình hàng không..., thúc đẩy đầu tư công; cần thiết triển khai đồng bộ các gói giải pháp kích cầu tiêu dùng, du lịch. Đề xuất giảm thuế BVMT đánh vào giá xăng dầu.

Theo Tổng giám đốc FLC, bà Hương Trần Kiều Dung: DN đang giảm sâu giá vé máy bay, trong khi vẫn phải thanh toán lệ phí dịch vụ tại sân bay và đề xuất giảm chi phí, giãn tiến độ thanh toán, giảm giá xăng dầu; cơ cấu lại các khoản nợ.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang: Các nhà máy đang chạy hết công suất để bảo đảm cung ứng thực phẩm cho người dân. Đây là thời điểm thúc đẩy TMĐT nên sẽ có kế hoạch để nhiều người dân chọn cách thức mua hàng trực tuyến, ngồi tại nhà mua hàng mà không cần trực tiếp đến siêu thị.

Tập đoàn Vingroup kiến nghị: Các cơ quan chức năng của Chính phủ cần rà soát lại quy định, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để khi dịch chấm dứt, DN “rộng tay, rộng chân hơn để phát triển”.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ: “Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đã có 12.000 lượt khách hủy đặt buồng phòng khách sạn; nhiều lượt đặt chơi golf cũng bị hủy... Được biết, Bộ Tài chính đang có dự thảo cho DN chậm nộp thuế 5 tháng là rất quý. Nhưng đề nghị tăng thêm thời gian; đề xuất tăng thời gian chậm nộp thuế lên 9 tháng hoặc 1 năm, giảm 50% thuế GTGT, gia hạn việc nộp các khoản thuế khác từ tháng 2 - 6.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) Trần Bá Dương cho rằng, các địa phương cần theo tinh thần của Thủ tướng, mời các DN đến lắng nghe ý kiến, hiến kế, vừa về biện pháp chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho SXKD.

Ông Dương nhấn mạnh, sự đồng hành, chia sẻ giữa chính quyền, cộng đồng DN và người dân là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Sau khi lắng nghe ý kiến lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những khó khăn, trở ngại mà DN Việt đang đối mặt; đồng thời, đánh giá cao sự kiên cường, vượt khó vươn lên của các DN trong cả nước.

Các DN đã thể hiện bản lĩnh Việt Nam, khắc phục khó khăn để tìm lối đi, cách làm trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Việt Nam và trên toàn cầu.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến, đề xuất của DN để hình thành những chính sách tốt hơn, phù hợp hơn, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN.

Cho rằng cộng đồng DN Việt chính là những “pháo đài phòng chống dịch”, “chống suy thoái xã hội”, đặc biệt là giải quyết việc làm, đảm bảo kinh tế vĩ mô, Thủ tướng tán thành với các biện pháp của DN trong thời điểm khó khăn này, nhất là tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, hiệu quả hơn, đặc biệt là quản trị tốt, ứng dụng công nghệ trong phát triển, tăng cường hợp tác, liên kết, chia sẻ rủi ro, chia sẻ lợi nhuận.

“Trong thời điểm này, Chính phủ cũng phải cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ứng dụng những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 để giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho sự phát triển của DN. Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước DN; tiếp tục hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện cho sự phát triển và có kịch bản ứng phó với tình hình mới một cách phù hợp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng gợi ý, các DN cần tận dụng, đón bắt thời cơ của Hiệp định EVFTA, đồng thời chú trọng thị trường trong nước gần 100 triệu dân với nhu cầu lớn về nhu yếu phẩm chất lượng tốt, đảm bảo VSATTP. Đây cũng là một yêu cầu rất lớn của Chính phủ đối với các DN.

Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương cần có những biện pháp tổng thể hỗ trợ DN một cách toàn diện, giảm chi phí cho DN, kể cả miễn giảm thuế, phí lãi suất vay, giãn hoãn nợ, cho chậm nộp thuế, phí bảo hiểm, nhấ là những lĩnh vực, ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch Covid-19.

Thủ tướng khẳng định “Sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng” và chỉ đạo xây dựng một chương trình toàn diện phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc; trong đó chú ý đến những ngành nghề thiệt hại nặng. Việc kích cầu có thể thông qua đầu tư và tiêu dùng, chính sách tiền tệ, tài khóa theo tinh thần “dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi, nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba”.

Thủ tướng mong muốn, các DN cần chuẩn bị kịch bản để đảm bảo hoạt động liên tục không bị gián đoạn vì bất cứ tình huống nào. Đi đôi với đó là nâng cấp hoạt động quản trị, tăng cường ứng dụng công nghệ.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, bên cạnh việc phòng dịch đảm bảo chặt chẽ, cần linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam về thủ tục và những biện pháp cách ly phù hợp.

Nhắc đến câu nói “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các DN phải có những biện pháp khẩn trương, phù hợp để vượt khó vươn lên kết hợp với điều kiện kinh doanh thuận lợi mà Chính phủ tạo ra để tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững trong tương lai.

Hoan Nguyễn