Hoạt động nhằm nâng cao kỹ năng bảo hộ sáng chế và năng lực sở hữu trí tuệ cho các thành viên Mạng lưới TISC (Technology and Innovation Support Centers) – Mạng lưới các trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo thành lập theo sáng kiến của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
Tham dự lớp tập huấn, có: Phó cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ, TS. Trần Lê Hồng; Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, GS. TS. Nguyễn Thành Huy; cùng hơn 60 học viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trên toàn quốc tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc, Phó cục trưởng Trần Lê Hồng cho biết, trường đại học, viện nghiên cứu là nơi tập trung chủ yếu nguồn nhân lực khoa học công nghệ, nhiều tài sản trí tuệ có giá trị lớn được tạo ra từ các nhà khoa học làm việc trong môi trường này. Trong nhiều năm qua, các trường đại học, viện nghiên cứu luôn có những chính sách hiệu quả động viên, khuyến khích các nhà khoa học đăng các bài báo công bố kết quả nghiên cứu khoa học và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, chưa có nhiều sáng chế được đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như chưa được khai thác, thương mại hóa một cách hiệu quả các kết quả nghiên cứu này. Đây là một thực trạng đáng quan tâm từ phía các nhà quản lý, cũng như chính các nhà khoa học. Bởi việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cần phải được thực hiện đúng quy định và kịp thời, mới có thể đảm bảo quyền lợi của các bên.
Quy định pháp luật của Việt Nam không ngừng được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, cũng như tạo thuận lợi cho các nhà khoa học. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ từ trung ương đến địa phương, triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực và tư vấn cho các chủ thể có liên quan của hệ thống sở hữu trí tuệ.
Đối với các trường đại học, viện nghiên cứu, Cục Sở hữu trí tuệ luôn đồng hành để hỗ trợ các nhà khoa học, cụ thể là trong việc triển khai thường niên các hoạt động cho Mạng lưới TISC.
Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá cao sự tham gia của các thành viên Mạng lưới TISC, những đơn vị mạnh và luôn đồng hành với các hoạt động của Mạng lưới như Trường đại học Phenikaa và hy vọng, sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ hơn nữa dành cho các trường đại học, viện nghiên cứu.
Về phía Trường Đại học Phenikaa, GS. TS. Phạm Thành Huy nhấn mạnh, Tập đoàn Phenikaa và Trường Đại học Phenikaa luôn coi hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là một trong các nhiệm vụ mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển của Trường và Tập đoàn, trong đó hoạt động sở hữu trí tuệ là trọng tâm. Việc triển khai hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực sở hữu trí tuệ nhằm hỗ trợ hiệu quả cho công tác nghiên cứu và giảng dạy, tạo tiền đề vững chắc cho các hoạt động sáng tạo của giảng viên, sinh viên và học viên của Trường trong thời gian tới.
Tại lớp tập huấn, báo cáo viên của Cục Sở hữu trí tuệ đã trình bày các nội dung liên quan tới những điểm mới trong quy định pháp luật về bảo hộ sáng chế, xác định đối tượng bảo hộ của sáng chế, giới thiệu và hướng dẫn sử dụng phần mềm viết bản mô tả sáng chế. Đặc biệt là phần mềm này, được Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng để giúp các nhà khoa học thực hành, nâng cao kỹ năng viết bản mô tả sáng chế đáp ứng yêu cầu nộp đơn đăng ký sáng chế. Tại lớp tập huấn, các chuyên gia của Cục Sở hữu trí tuệ cũng giải đáp các thắc mắc của học viên về quy định pháp luật liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu, các quy định mới về sáng chế mật…
Lớp tập huấn kết thúc với sự đánh giá tích cực của các học viên tham dự. Các ý kiến đóng góp, chia sẻ được Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận để có những đề xuất, giải pháp phù hợp tăng cường hoạt động cho Mạng lưới TISC, cũng như hoạt động sở hữu trí tuệ của các trường đại học, viện nghiên cứu trong thời gian tới.
Minh Anh (Th)