Đơn cử, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 5 tăng 5,99% so với tháng trước. Một số ngành có chỉ số tăng khá như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 66,57%; sản xuất máy móc thiết bị tăng 29,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 28,49%...
Bên cạnh đó có một số ngành có chỉ số tăng trưởng chậm hơn hoặc giảm như sản xuất, chế biến thực phẩm giảm 12,25%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 8,57%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,47%... Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,41% so với cùng kỳ (5 tháng 2023 tăng 3,21%).
Tiếp đến là hoạt động thương mại cũng tăng nhẹ so với tháng trước (0,36%). Doanh thu thương mại tập trung ở các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu, sau đó ổn định trở lại.
Liên quan đến hoạt động thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, trong 5 tháng đầu năm, tỉnh cấp mới 8 dự án với số vốn thu hút 31,5 triệu USD; 9 lượt điều chỉnh tăng vốn với vốn tăng 97,5 triệu USD; 1 lượt dự án điều chỉnh giảm vốn với vốn giảm 14 triệu USD; 2 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần với vốn đăng ký 0,2 triệu USD.
Đồng thời cũng thu hồi, chấm dứt hoạt động 3 dự án với vốn đầu tư 5 triệu USD; 1 dự án chuyển thành dự án trong nước với vốn đăng ký 1,7 triệu USD. Tính đến ngày 17/5/2024, trên địa bàn tỉnh có 371 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với vốn đăng ký là 9.825 triệu USD.
Về thu hút đầu tư trong nước, tính đến ngày 17/5/2024, trên địa bàn tỉnh có 699 dự án còn hiệu lực với vốn đăng ký là 135.663 tỷ đồng.
Về phát triển doanh nghiệp, đến tháng 5/2024, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 297 doanh nghiệp với số vốn 3.434 tỷ đồng. So với cùng kỳ: bằng 88,92% về số doanh nghiệp và tăng gấp 1,56 lần về số vốn.
Có 60 doanh nghiệp giải thể với số vốn 1.360 tỷ đồng, so với cùng kỳ thì tăng 3% về số doanh nghiệp và tăng gấp 4,92 lần về số vốn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8.275 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 204.427 tỷ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 492 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu đạt 452 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 7.621,6 tỷ đồng, tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 10,30% so cùng kỳ. Chủ yếu tăng nhóm hàng ô tô con dưới 9 chỗ ngồi, đá quý, kim loại quý, gỗ và vật liệu xây dựng. Lũy kế, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 38.265,9 tỷ đồng, tăng 11,48% so cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả trên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Tây Ninh tăng 4,47% so với cùng kỳ. Chủ yếu ở nhóm hàng hoá điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, giá điện và dịch vụ điện do thời tiết nắng nóng nên sản lượng điện tiêu thụ tháng 5 tăng làm tăng giá điện bình quân.
Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác ước đạt 2.119,723 tỷ đồng, tăng 13,28% so với tháng cùng kỳ.
Khách tham quan khu, điểm du lịch ước đạt 300.000 lượt khách, tăng 30,4% so cùng kỳ; doanh thu du lịch 165 tỷ đồng, tăng 46% so cùng kỳ…
Từ kết quả trên, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nội dung về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh năm 2024 (Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 09/01/2024).
Chương trình công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2024, tổ chức thực hiện các nội dung đảm bảo tiến độ đã đề ra. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Hà Trần (t/h)