UBND tỉnh Tây Ninh vừa có chỉ đạo đến các đơn vị liên quan về việc triển khai thực hiện Công văn số 7728/BTC-TCT ngày 11/7/2024 của Bộ Tài chính đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số (gọi tắt là kinh doanh thương mại điện tử).

Theo đó, UBND tỉnh Tây Ninh giao các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Phối hợp với cơ quan thuế rà soát, xác định các cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng nhằm tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế theo đúng quy định pháp luật;

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Phối hợp với cơ quan Thuế triển khai chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các trường hợp có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng không thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ với cơ quan thuế, cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn theo quy định nhằm lan toả tính nghiêm minh của pháp luật;

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế trong việc triển khai hoá đơn điện tử, triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền gắn với chương trình hoá đơn may mắn do ngành Thuế triển khai để kiểm soát doanh thu của các tổ chức, cá nhân kinh doanh nói chung, tham gia hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng nói riêng bảo đảm chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế.

UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Tài chính tại Công văn số 7228/BTC-TCT ngày 11/7/2024 bảo đảm kịp thời, đúng quy định.

Theo ông Châu Thanh Long, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 Tây Ninh), công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên nền tảng số, thương mại điện tử... của tỉnh thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng tinh vi, thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Internet... ngày càng nhiều nên rất khó kiểm soát.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tây Ninh liên tục triệt phá 8 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm với tổng số tiền trên 285 triệu đồng, buộc tiêu hủy hơn 1.600 sản phẩm quần áo, mỹ phẩm các loại không rõ nguồn gốc, được kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử.

Các trường hợp vi phạm chủ yếu là buôn bán hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; sản xuất mỹ phẩm chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu...

Hoàng Bách (t/h)