Theo thông tin từ Phòng Quản lý thương mại và Hội nhập (Sở Công Thương), tổng giá trị xuất khẩu (XK) chính ngạch sản phẩm chè của tỉnh hằng năm đạt thấp và có xu hướng giảm dần. Cụ thể, năm 2017, tỉnh XK 2,3 nghìn tấn chè với tổng giá trị 4,3 triệu USD; năm 2018 giảm xuống còn 1,9 nghìn tấn tương đương giá trị 3 triệu USD (tổng giá trị XK chè cả nước cùng năm đó đạt trên 300 triệu USD); đến năm 2019 tiếp tục giảm còn 1,5 nghìn tấn với giá trị 2,5 triệu USD.
Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè tỉnh cho biết: So với các tỉnh cũng có thế mạnh về cây chè thì giá trị XK chè của Thái Nguyên thấp hơn nhiều. Tỉnh chưa có doanh nghiệp lớn về XK chè, thiếu vùng nguyên liệu tập trung lớn, ổn định. Rõ ràng, tỉnh có tiềm năng rất lớn về sản phẩm chè, nhưng giá trị xuất khẩu của chè Thái Nguyên lại rất thấp và gần như chưa được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường “khó tính”.
Hiệp định EVFTA là cơ hội cho ngành Chè nói chung và sản phẩm chè Thái Nguyên nói riêng.
Với Hiệp định EVFTA, nhiều người đánh giá đây là cơ hội cho ngành Chè nói chung và sản phẩm chè Thái Nguyên nói riêng khi thuế nhập khẩu chè vào các nước EU về 0% (trước đó khoảng 20%). Tuy nhiên, cơ hội luôn đi liền với thách thức, đó là việc các đơn vị XK chè phải đảm bảo tiêu chí về sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường… Vì vậy, doanh nghiệp cần có vùng nguyên liệu tập trung lớn, ổn định, dây chuyền sản xuất hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp thị trường đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại. Không riêng thị trường EU mà các thị trường “khó tính” khác cũng có những đòi hỏi tương tự. Và để doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh, tự tin bước vào những thị trường đó thì sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước là không thể thiếu.
Ngoài nguyên nhân đó, nhiều chủ doanh nghiệp, hợp tác xã và những người làm công tác quản lý về lĩnh vực chè đều cho rằng chè Thái Nguyên chưa được XK mạnh còn bởi giá chè nguyên liệu quá cao. Trong khi các đơn vị có hoạt động XK chè trên địa bàn lâu nay chủ yếu đưa sản phẩm sang những thị trường truyền thống và “dễ tính” như các nước Trung Đông, Nam Á, Trung Quốc, nơi chỉ chấp nhận giá bán dưới 2 USD/kg chè. Trước thực trạng này, không ít người tâm huyết với chè Thái Nguyên luôn trăn trở tìm hướng XK nhằm ổn định sản xuất lâu dài và nâng cao giá trị sản phẩm.
Hoàng Công Luận