Đảm bảo cung ứng đủ thịt lợn cho thị trường tại địa phương.
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết: Dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ ngày 05/03/2019, gây thiệt hại rất lớn, dịch bệnh bùng phát ở tất cả các xã, phải buộc tiêu hủy hơn 157 nghìn con lợn, với trọng lượng hơn 9.200 tấn lợn hơi.
Ngân sách tỉnh và Trung ương đã hỗ trợ xấp xỉ 330 tỷ đồng cho việc phòng, chống dịch, trong đó hỗ trợ cho nhân dân có lợn bị tiêu hủy gần 266 tỷ đồng và đã được thực hiện xong trước Tết Nguyên đán 2020.
Ngày 07/02/2020, tỉnh Thái Nguyên công bố hết dịch tả lợn châu Phi ở tất cả các xã. Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên cho biết, dịch bệnh được khống chế, kết quả tái đàn đến nay, tổng đàn lợn của Thái Nguyên đạt 580.000 con, trong đó có xấp xỉ 100.500 lợn nái và đực giống, về đầu lợn vẫn giảm gần 20% so với trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Đàn lợn đã đạt 80% so với trước dịch. Trên thực tế, với sản lượng sản xuất hiện tại thì ngành chăn nuôi lợn của Thái Nguyên hoàn toàn có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (áo xanh) thăm Trại giống lợn Tân Thái, Thứ trưởng đánh giá cao vai trò của trại giồng này trông công tác tái đàn lợn của địa phương
Thái Nguyên từng có thời điểm đạt tổng đàn lợn xấp xỉ 700.000 con. Con số kế hoạch tái đàn trong năm 2020 của Thái Nguyên là nâng tổng đàn lên 650.000 con, trong đó có 100.500 nái và đực giống. Việc tăng thêm gần 1/4 tổng đàn thực chất là để cung ứng cho thị trường ngoài tỉnh và một phần phục vụ xuất khẩu.
Khống chế tốt dịch bệnh song phải quản lý dịch bệnh tận gốc.
Đánh giá về những con số trên, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, việc khống chế tốt dịch bệnh là thành công rất lớn của Thái Nguyên. Theo đó, Thái Nguyên nằm trong nhóm các tỉnh khá trong việc tái đàn lợn và có thể đẩy lên nhóm cao hơn.
Với không gian chăn nuôi còn rộng mở, đất đai nhất là đất đồi núi nhiều, Thái Nguyên nên xác lập 2 kịch bản, theo xu thế tất yếu hiện nay phải phát triển chăn nuôi công nghiệp, chuyên nghiệp, quy mô lớn. Còn chăn nuôi nhỏ lẻ cần kiểm soát và quản lý theo hướng an toàn, bền vững, giảm dần quy mô, diện để phòng chống dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Đồng quan điểm với nhận định trên, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y khuyến cáo việc tái đàn lợn cần cảnh giác đến những diễn biến bất thường của tình hình dịch bệnh dịp cuối năm. Đặc biệt, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn cần được kiểm soát theo thông tư 45 của Bộ NN- PTNT.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Thái Nguyên đề xuất, chiến lược, lối mở tất yếu là lập kế hoạch, quy hoạch xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh theo phương châm quản lý dịch bệnh tận gốc. Từ đó, tái đàn thận trọng và đảm bảo an toàn sinh học, tái đàn đến đâu chắc ăn đến đấy, hạn chế thấp nhất các ổ dịch tả Châu Phi tái bùng phát trở lợi đe dọa kết quả tái đàn.
Hoàng Công Luận