Đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 200 sản phẩm đăng ký ý tưởng, với phương châm không chạy theo số lượng, đặc biệt quan tâm đến chất lượng và uy tín của sản phẩm, Thái Nguyên đã thực hiện quy trình đánh giá công khai minh bạch bám sát bộ tiêu chí, đúng quy định. Sau 2 kỳ đánh giá, đã có 76 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn từ 3 – 4 sao, trong đó có 7 sản phẩm lập hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá xếp hạng 5 sao, 1 sản phẩm Làng du lịch được xếp hạng 4 sao.

Để có được thành quả đó, Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm được Thái Nguyên xác định là chìa khóa để tăng liên kết và cạnh tranh hàng hóa nông sản góp phầm hoàn thành mục tiêu về đích NTM. Tỉnh đã có nhiều chính sách, đề án để tái cơ cấu ngành Nông nghiêp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… Có chính sách thưởng cho các sản phẩm đạt OCOP như: 20 triệu đồng/ sản phẩm đạt 3 sao, 30 triệu đồng sản phẩm đạt 4 sao, 40 triệu cho sản phẩm đạt 5 sao.

Thái Nguyên quan tâm đầu tư nâng cao giá trị tiềm năng sản phẩm chè, sản phẩm lợi thế của địa phươngThái Nguyên quan tâm đầu tư nâng cao giá trị tiềm năng sản phẩm chè - Sản phẩm lợi thế của địa phương (Ảnh: Hoàng Thiệp)

Ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho các dự án phát triển theo chuỗi giá trị, các chủ thể là các HTX tham gia phát triển sản phẩm. Hỗ trợ thiết kế logo, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng dữ liệu sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc…Qua đó, chương trình đã tạo những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng NTM.

 Các sản phẩm bước đầu tạo được lòng tin của thị trường, từ đó doanh số bán hàng ngày càng tăng. Đồng thời, chương trình đã góp phần thúc đẩy sự liên kết hợp tác giữa nông dân với nhau, nông dân với HTX, nông dân với doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển HTX trong nông nghiệp.

Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt quan tâm đến phát triển tổ chức sản xuất, hỗ trợ các dự án phát triển theo chuỗi liên kết. Xây dựng mô hình điểm về phát triển OCOP trên diện rộng.

Xây dựng hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong đó, tập trung phát triển các loại hình siêu thị, cửa hàng phân phối sản phẩm, các tuyến liên tỉnh kết nối giao thương cung – cầu để tiêu thụ sản phẩm Thái Nguyên trên thị trường trong và ngoài nước. Tổ chức sự kiện quảng bá sản phẩm gắn liền với du lịch, hội chợ, triển lãm. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch và gắn kết với chuỗi sản phẩm OCOP là giải pháp nhằm tiêu thụ và nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm.

Hoàng Công Luận