Thẩm định cho vay kính Tràng An có làm thất thoát vốn ngân hàng? - Hình 1

Nhà máy kính

Công ty làm ăn thua lỗ, BIDV Ninh Bình cho vay vốn nhiều hơn

Theo tài liệu của phóng viên, trong các năm 2008, 2012, 2013, ông Dương Văn Đạo - Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ, đại diện pháp lí Cty Dương Giang ký 03 HĐ tín dụng dài hạn để vay vốn tại BIDV Ninh Bình.

Hợp đồng tín dụng số 1009 ký ngày 0/1/2008 có hạn mức vay 168 tỷ đồng và có thời gian thanh toán hết nợ đến hết năm 2016; Hợp đồng tín dụng dài hạn số 10412 ký ngày 15/6/2012 với có mức vay 150 tỷ đồng, thời gian tất toán nợ hết năm 2018.

Tổng hai hợp đồng trên, BIDV Ninh Bình đã duyệt cấp hạn mức cho Công ty Dương Giang 318 tỷ đồng; tài sản đảm bảo thế chấp là toàn bộ máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất kính thuộc dự án nhà máy kính Tràng An (tài sản hình thành từ vốn vay) được định giá 283.796.000.000 đồng (theo biên bản định giá tài sản ngày 24/12/2013).

Bên cạnh đó, BIDV Ninh Bình còn kí với Công ty Dương Giang hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 20779, ký ngày 8/12/2013 có hạn mức 320 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo bao gồm đất và tài sản gắn liền với đất được định giá 377.908.000.000 đồng (biên bản định giá tài sản ngày 24/12/2013).

Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn bộ tài sản dùng để đảm bảo (được định giá 377,9 tỷ đồng) được thực hiện trong điều kiện không đủ hồ sơ, hồ sơ không hợp lệ, không có hợp đồng kinh tế… Thế nhưng thực tế số tài sản đó vẫn được dùng để đảm bảo cho hợp đồng cho vay ngắn hạn số 20779 có hạn mức 320 tỷ đồng.

Khi phóng viên tìm đến khu công nghiệp Khánh Phú cũng phát hiện, hiện trạng của nhà máy kính nổi Tràng An đã xuống cấp khá nhanh chóng. Toàn bộ khu sản xuất của kính Tràng An là hai dãy nhà xưởng khung cột lợp tôn chạy dài; khu nhà máy sản xuất đã xuống cấp theo thời gian, phủ một lớp bụi đen xì, những tấm kính trên tường vỡ từng mảng. Nếu định giá chuyên môn, rất khó có thể đưa ra được con số hơn 377,9 tỷ đồng trị giá đất và tài sản gắn liền trên đất để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Với quan hệ tài chính có nhiều điểm khó hiểu như kể trên, đến ngày 7/3/2014, BIDV Ninh Bình đã giải ngân cho Công ty Dương Giang tổng số tiền 618 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho hợp đồng tín dụng dài hạn là 302 tỷ đồng; ngắn hạn là 316 tỷ đồng.

Thời điểm tháng 3/2014, Công ty Dương Giang còn dư nợ BIDV Ninh Bình 628 tỷ đồng. Như vậy tỷ lệ ngân hàng cho vay 618/660 tương đương 93,4%.

Đáng nói là trong thời điểm BIDV Ninh Bình kí hợp đồng tín dụng và giải ngân cho Cty Dương Giang, công ty này liên tục thua lỗ, năm 2011, lỗ 85 tỷ; 2012 lỗ 27 tỷ , tổng cộng 2 năm kinh doanh thua lỗ hơn 100 tỉ đồng. Dù vậy, BIDV Ninh Bình vẫn tiếp tục cho Công ty Dương Giang vay và nâng hạng mức cho vay.

Cũng liên quan đến thực trạng hoạt động tài chính của Công ty Dương Giang, giai đoạn từ tháng 3/2011 đến tháng 3/2013, Công ty Dương Giang bị Cục Thuế tỉnh Ninh Bình phát hiện và xử phạt, truy thu bù trừ thông qua hồ sơ hoàn thuế số tiền trên 7 tỷ đồng.

BIDV Ninh Bình nói gì về số tiền hàng trăm tỉ cho Cty Dương Giang vay?

Lý giải cho những bất thường trong quan hệ tài chính giữa BIDV Ninh Bình và Công ty Dương Giang, bà Bàng Thị Bích Phượng, Giám đốc BIDV Ninh Bình cho rằng đó là nỗ lực để BIDV Ninh Bình tránh món nợ xấu.

Bà Phượng lý giải: thời điểm Công ty Dương Giang mới đi vào vận hành, hoạt động, dây chuyền mới đang ở giai đoạn vận hành thử nghiệm; sản phẩm kính nổi Tràng An chưa đạt được chất lượng như mong muốn; tính cạnh tranh còn yếu so với các sản phẩm khác ở cùng thời điểm, chưa có thị phần… nên nhà máy cũng gặp nhiều khó khăn. Nỗ lực của BIDV Ninh Bình khi đó là thường xuyên làm việc với khách hàng để đưa ra các phương án tháo gỡ.

Cũng theo bà Phượng, vào thời điểm năm 2011, 2012, Công ty Dương Giang gặp nhiều khó khăn, làm ăn thua lỗ nên phía Ngân hàng nâng hạn mức lên cho Công ty Dương Giang tiếp tục được vay vốn sản xuất và có phương án dãn biên trả nợ cho Công ty Dương Giang từ 10 năm lên 12 năm.

Hiện tại Kính Tràng An còn nợ tổng cộng BIDV hơn 500 tỉ đồng. Trong đó nợ dài hạn khoảng hơn 200 tỷ đồng, còn lại nợ ngắn hạn. Lãi suất tiền vay được chốt vào cuối kỳ mỗi tháng; thanh toán tiền gốc cho ngân hàng được thực hiện theo quý, mỗi quý Kính Tràng An thanh toán số tiền 10 tỷ đồng.

Về thông tin Công ty Dương Giang trong quá trình xây dựng nhà máy sản xuất kính Tràng An có dấu hiệu làm giả hồ sơ, giấy tờ, dùng công ty “sân sau” xây dựng để nâng khống giá trị tài sản thế chấp, bà Phượng giải thích, BIDV căn cứ hồ sơ (như hồ sơ thanh toán, quyết toán, có hóa đơn…) Công ty Dương Giang đưa lên. Việc có lập các công ty sân sau, công ty con để nghiệm thu khống giá trị công trình hay không, không thuộc thẩm quyền của BIDV Ninh Bình.

Bảo Minh