Theo báo cáo bán hàng mới nhất từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA), trong tháng 3/2020, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 19,154 xe, tăng 8% so với tháng 2/2020. Tuy nhiên, so với tháng 3/2019 lại giảm 41%.
Cụ thể, tháng vừa qua thị trường tiêu thụ 13.071 xe du lịch, 5.711 xe thương mại và 372 xe chuyên dụng.
Tuy nhiên, xét về tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 3/2020 giảm 33% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 35%, xe thương mại giảm 26% và xe chuyên dụng giảm 32% so với cùng kì năm ngoái.
Tính đến hết tháng 3/2020, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 28% trong khi xe nhập khẩu giảm 39% so với cùng kì năm ngoái.
COVID-19 tàn phá thị trường, hàng loạt hãng xe lao đao.
Không chỉ với bán ô tô, ngay cả dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng cũng chịu tác động tương ứng. Thống kê của VAMA cho thấy, lượng xe đến sửa chữa tại các đại lý đã giảm khoảng 30-40% và có thể giảm tới 60-70% nếu tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới sự tăng trưởng của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Dự báo của các doanh nghiệp cho thấy, tình hình bán hàng quý 2/2020 cũng rất ảm đạm. Doanh số bán hàng tháng 4 giảm mạnh hơn tháng 3 và nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài thì cả tháng 5 lẫn tháng 6 cũng tiếp tục giảm nữa khi nhiều nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô như Huyndai, Honda,...tạm dừng hoạt động, các đại lý thi nhau đóng cửa. Nguồn cung từ nước ngoài cũng đang gặp đình trệ do dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các nước xuất khẩu và những khó khăn nhất định trong vận chuyển.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong quý 1/2020, ngành sản xuất xe có động cơ giảm 2,5%. Đây là mức giảm sâu so với mức tăng 17,9% cùng kỳ năm trước. Sản lượng ô tô sản xuất trong nước ước đạt 56.200 chiếc, giảm 10,4% so với cùng kỳ. Chỉ số tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019.
Một doanh nghiệp ước tính nếu doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp trong nước giảm trên 10% trong năm 2020 thì khoảng 5% số lao động bị cắt giảm việc làm. Đấy là chưa kể nhiều lao động khác sẽ bị giảm lương.
Nhiều lao động ô tô có nguy cơ bị cắt giảm do nhà máy ngừng sản xuất.
Dự báo từ VAMA, năm 2020, thị trường ô tô sẽ tăng trưởng âm 15%. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, sản lượng cũng như doanh số ô tô tại Việt Nam có thể giảm về mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nhu cầu giảm dẫn đến sản xuất giảm và các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động.
Hiện tại, vấn đề đau đầu nhất hiện nay là đầu ra. Không bán được hàng thì DN sẽ gặp khó khăn. Các chi phí cơ bản hàng tháng rất lớn, trong khi nguồn thu từ kinh doanh giảm mạnh, sẽ khiến DN mất cân đối tài chính, nếu kéo dài sẽ phá sản.
Tâm An