Hàng nghìn lít dầu thải được người dân thu gom về xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội mỗi ngày để tái chế, sau đó lại quay trở lại thị trường tiêu thụ.  Với loại dầu tái chế này, người tiêu dùng không những bị mất tiền oan mà trên hết là nguy cơ cháy nổ xe, đe dọa tính mạng người sử dụng.

Dầu nhớt thải được đun bằng các thùng phuy sắt

Thủ phủ tái chế dầu nhớt lớn nhất miền Bắc

Để mục sở thị công nghệ tái chế dầu nhớt thải, chúng tôi đã vào vai người gom dầu nhớt bẩn. Được một người tên Quy, xã An Khánh giới thiệu, chúng tôi gặp Chính, chủ một cửa hàng gom dầu nhớt thải lớn nhất nhì An Khánh. Theo như Chính, việc gom dầu nhớt cũ chủ yếu là các đầu nậu đến tận các hiệu sửa xe máy hoặc ở các công trường xây dựng thực hiện gom hàng. Với những hiệu sửa xe máy có số lượng dầu nhớt thải ít, sẽ đựng trong can loại 30 lít sau đó chở về bằng xe máy. Riêng đối với các công trường xây dựng, phải mang ô tô đến chở dầu nhớt vì mỗi ngày tại đây thải ra khoảng hơn trăm lít và số dầu nhớt này được đựng trong những thùng phuy 200 lít. Theo như anh Chính, việc tái chế dầu nhớt thải vô cùng đơn giản, chỉ cần một vài thao tác nhớt sẽ đẹp như mới.  “Các anh muốn loại nhớt màu gì cũng có, từ đỏ cho đến vàng. Chỉ cần các anh thông báo loại nhớt, số lượng và sau hai ngày là sẽ có hàng”, anh Chính cho biết.

Theo tìm hiểu, việc tái chế dầu nhớt thải ở An Khánh đã diễn ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc kiểm định chất lượng và đảm bảo vệ sinh môi trường vẫn còn bỏ ngỏ. Chỉ cần về đến đầu xã là thấy ngay các biển quảng cáo “thu mua dầu nhớt” được treo dọc bên cạnh những quán cóc nhỏ lề đường. Tại những quán cóc nhỏ này, có rất nhiều thùng phuy được chất thành đống khiến cho không khí xung quanh trở nên ngột ngạt và nhất là những ngày nắng nóng không khí càng trở nên oi nồng hơn. “Rất nhiều lần chúng tôi làm đơn lên chính quyền xã nhờ can thiệp dẹp bỏ những điểm tái chế gây ô nhiễm môi trường này nhưng không những không dẹp bỏ được mà ngày càng có nhiều cửa hàng thu gom dầu nhớt thải hơn. Gặp hôm gió Đông Nam, sinh hoạt của chúng tôi bị đảo lộn vì phải ngửi cái mùi dầu mỡ đó cả ngày”, cô Oanh, người dân An Khánh bức xúc.

Hốt bạc nhờ nghề gom nhớt thải

Tại sao nhiều cửa hàng thu mua dầu nhớt thải không những không bị dẹp bỏ mà ngày càng mọc nhiều như nấm?

Được biết, vài năm trở lại đây, khu vực xã An Khánh có rất nhiều công trình xây dựng nên tài xế chở vật liệu, máy công trình ăn bớt dầu nhớt mang đi bán. Vì nhu cầu người bán cao nên các chủ cửa hàng thu mua nhớt thải tha hồ được đà ép giá. Qua tìm hiểu, mỗi lít dầu nhớt thải các đầu nậu sẽ trả cho người bán với giá 15.000 đồng/lít nhưng sau khi tái chế sẽ bán cho khách hàng khoảng 40.000 đồng/lít.

Để việc tái chế dầu nhớt không bị các cơ quan chức năng phát hiện các chủ cửa hàng này mở xưởng tái chế một nơi, chỗ thu gom một nơi và chỗ bán một nơi. Dầu nhớt cũ được cho vào thùng phuy sắt và đun bằng công nghệ thủ công cộng với một số hóa chất tạo màu. Để cho giống, người nấu cho một lượng axít và nhựa thông sau đó cho thêm chất tạo màu.

Chị Tâm, một người chuyên nấu nhớt thuê cho biết: “Cơ sở chị nấu có hai loại nhớt, một loại thường và một loại “nhớt xuyên chai”. Với các loại nhớt thường thì công việc đun tái chế đơn giản không cầu kì phức tạp như “nhớt xuyên chai”. Đối với loại nhớt này, chỉ cần cho máy khoắng lên sau đó lọc cặn bẩn là đã có ngay nhớt để bán. Mỗi thùng phuy 200 lít sẽ được bán với giá từ 3 – 3,5 triệu đồng”.

Chị Tâm cũng chia sẻ thêm: “Để làm được “nhớt xuyên chai”, khi đun người làm phải cho thêm nhựa thông và axít cùng với một số loại phụ gia tạo màu khác thì nhớt mới có màu đẹp như nước chè. Giá của loại nhớt này sẽ cao hơn nhớt thường và giá bán thường dao động từ 4,5 – 5 triệu/phuy 200 lít”.

Theo tìm hiểu, hiện nay một số cơ sở sửa xe quanh vùng vẫn đến lấy nhớt về bán cho khách hàng. Với một chai dầu nhớt chính hãng các hiệu sửa xe bán cho khách từ 80 – 90.000/chai. Để tăng lợi nhuận, nhiều chủ sửa xe cho nhập các loại dầu nhớt tái chế về bán cho khách vì mỗi chai dầu nhớt tái chế có dung tích 0,8l các hiệu sửa xe chỉ nhập vào với giá khoảng 40.000 đồng. Như vậy họ đã lãi gấp đôi.

Sử dụng dầu nhớt tái chế không chỉ ảnh hưởng đến động cơ máy móc, người tiêu dùng bị thiệt hại mà nghiêm trọng hơn nó trực tiếp gây ô nhiễm môi trường, gây nguy cơ cháy nổ, mất an toàn cho người và phương tiện. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra xử lý những cơ sở chế biến dầu nhớt giả, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.


Thiên Trường