Nói đến lĩnh vực châm cứu Việt Nam, không ai không biết đến GS Tài Thu. Ngay cả Bệnh viện Châm cứu trung ương hiện nay, nơi GS Thu đã có hơn 20 năm giữ vị trí viện trưởng và sau đó là giám đốc bệnh viện, người ta vẫn quen gọi bằng cái tên "Bệnh viện ông Tài Thu".

Giáo sư Nguyễn Tài Thu sinh ngày 4-6-1931, tại thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ông là bác sĩ Đông y danh tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn thế giới. Ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và Anh hùng Lao động cùng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác.

Ông theo học Đông y tại Trung Quốc. Trở về nước, ông công tác tại nhiều bệnh viện quân đội và địa phương. Từ năm 1967, ông đi sâu nghiên cứu lĩnh vực châm cứu và bắt tay gây dựng Hội Châm cứu Việt Nam, tạo nền móng vững chắc cho sự ra đời của Bệnh viện Châm cứu Trung ương sau này.

Giáo sư Nguyễn Tài Thu
Giáo sư Nguyễn Tài Thu

Đầu những năm 1980, Bộ Y tế quyết định thành lập Viện Châm cứu Việt Nam, năm 2003 đổi tên là Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Giáo sư Nguyễn Tài Thu là Viện trưởng Viện Châm cứu Việt Nam, sau này là Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương đến năm 2007.

Giáo sư Nguyễn Tài Thu đã dành trọn tâm huyết, đóng góp tích cực cho nền y học cổ truyền Việt Nam với khối “tài sản”quý báu là hàng chục cuốn sách về châm cứu; lý luận Đông y như tân châm, thủy châm, nhĩ châm, điện châm... Đây cũng là cẩm nang nghiên cứu, học tập cho hàng nghìn y bác sĩ hiện nay.

Đặc biệt, kỹ thuật châm cứu và châm tê cai nghiện ma túy của Giáo sư đã được Bộ Y tế cấp phép triển khai, tỷ lệ cắt cơn cao hơn 90% và được giới thiệu đến gần 50 quốc gia. Phương pháp điện châm gây tê cho phẫu thuật của Giáo sư cũng đạt hiệu quả đến 98,3%, thực hiện được 100 nghìn ca mổ.

Với những thành tựu và công sức nghiên cứu ứng dụng, GS Nguyễn Tài Thu đã được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động. Với chức vụ Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, nhân dân yêu mến, nể trọng gọi ông là "Cây kim vàng", "Ông vua châm cứu", "thần kim"... của Việt Nam.

Thiên Trường