THCL Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 1/2017 ước đạt 2,54 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 1,7%.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 2,54 tỷ USD trong tháng 1/2017
Theo đó, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 1 năm 2017 ước đạt 518 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong năm 2016, chiếm 54,3% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Bên cạnh đó, trong tháng 1/2017, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1 năm 2017 ước đạt 325 nghìn tấn với giá trị đạt 136 triệu USD, giảm 32% về khối lượng và giảm 35,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2016 đạt 449 USD/tấn, tăng 6,2% so với năm 2015.
Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2016 với 36% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong năm 2016 đạt 1,74 triệu tấn và 782,3 triệu USD, giảm 17,5% về khối lượng và giảm 8,6% về giá trị so với năm 2015. Gana-thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong năm 2016 với 11,5% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong năm 2016 đạt 503,7 nghìn tấn và 248,9 triệu USD, tăng 38,9% về khối lượng và tăng 34,5% về giá trị so với năm 2015.
Không còn sự tăng ấn tượng với hai con số như năm 2016, xuất khẩu cà phê tháng 1/2017 đã quay đầu giảm mạnh, ước đạt 127.000 tấn với giá trị đạt 287 triệu USD, giảm 26,5% về khối lượng và giảm 3,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cà phê xuất khẩu bình quân năm 2016 đạt 1.872 USD/tấn, giảm 6% so với năm 2015.
Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong năm 2016 với thị phần lần lượt là 14,8% và 13,5%. Giá tri ̣xuất khẩu cà phê trong năm 2016 ở hầu hết các thi ̣trường chính của Viêṭ Nam đều tăng so với năm 2015, ngoại trừ thị trường Tây Ban Nha có giá trị giảm (giảm 8,3%).
Tương tự như cà phê, các mặt hàng nông sản khác xuất khẩu như chè, hạt điều, tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn cũng có sự giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng xuất khẩu chè tháng 1 ước đạt 11.000 tấn với giá trị đạt 16 triệu USD, giảm 3,6% về khối lượng và giảm 8,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Đáng chú ý, Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 1 năm 2017 ước đạt 20 nghìn tấn với giá trị 176 triệu USD, giảm 20,2% về khối lượng và giảm 4,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân năm 2016 đạt 8.196 USD/tấn, tăng 12,2% 8 so với năm 2015. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 34,1%, 14,9% và 13,5% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.
Còn mặt hàng hồ tiêu thì giảm mạnh cả về lượng và giá trị. Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 1 năm 2017 ước đạt 8 nghìn tấn, với giá trị đạt 56 triệu USD, giảm 18,3% về khối lượng và giảm 37% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá tiêu xuất khẩu năm 2016 đạt 8.035 USD/tấn, giảm 16,1% so với năm 2015.
Duy nhất có mặt hàng cao su vẫn duy trì được sự tăng trưởng trở lại tốt trong xuất khẩu từ những tháng cuối năm 2016. Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 1 năm 2017 đạt 102.000 tấn với giá trị đạt 193 triệu USD, tăng 10,5% về khối lượng và tăng 84,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Giá cao su xuất khẩu năm 2016 đạt 1.333 USD/tấn, giảm 1% so với năm 2015. Trung Quốc và Malaysia là 2 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong năm 2016, chiếm lần lượt 59,5% và 7,7% thị phần. Năm 2016, giá trị xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc tăng 30%, thị trường Malaysia giảm 42,5% so với năm 2015.
Phan Chinh