Sau hơn 1 năm triển khai, chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả ban đầu quan trọng, đang tạo động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, với các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP, thì việc giữ vững tiêu chí sau công nhận cũng đặt ra nhiều vấn đề, là một cuộc hành trình không hề đơn giản.

Đến nay, Thanh Hóa đã có 30 sản phẩm của 20 tổ chức kinh tế được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 4 sao, 24 sản phẩm 3 sao. Theo quy định, sau 3 năm công nhận, ngành chức năng sẽ đánh giá lại các tiêu chí, nếu sản phẩm nào không đảm bảo thì sẽ bị rớt xuống hạng sao thấp hơn hoặc thu hồi giấy chứng nhận đạt sao.Với quy định này sẽ thúc đẩy các đơn vị, địa phương cần có sự nỗ lực và phát triển dài hơi hơn với chính sản phẩm đã được công nhận, nếu không sẽ nhận lại thất bại tại “sân chơi” mang tên OCOP.

Thực tế, để duy trì và giữ vững tiêu chí đối với sản phẩm được công nhận OCOP là tiếp tục thêm một sự nỗ lực, cố gắng mà ở đó các hợp tác xã, doanh nghiệp cần phải năng động, linh hoạt và đưa ra những giải pháp cụ thể, những chiến lược dài hơi hơn. 30 sản phẩm OCOP được tỉnh đánh giá vừa qua đã từng bước xây dựng được thương hiệu trên thị trường và ngày càng tiến gần đến người tiêu dùng hơn.

Dưa chuột baby, một trong những sản phẩm đạt 4 sao của Cty CPTM&XD Phong cách mới.Dưa chuột baby, một trong những sản phẩm đạt 4 sao chương trình OCOP của Cty CPTM&XD Phong cách mới.

Theo ông Phan Xuân Hùng, Tổ trưởng Tổ Quản lý chương trình OCOP Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết: Việc giữ vững tiêu chí sản phẩm được công nhận OCOP là một câu chuyện không nhỏ. Nếu nói về tổng quan đó là sự vận hành của chương trình OCOP phải đúng theo quy định. Tuy nhiên, để giữ vững thì chắc chắn phải gắn với chủ thể vì Nhà nước không thể can thiệp trực tiếp vào kinh doanh của chủ thể.

Sau khi được công nhận, chủ thể phải xác định những nội dung tiếp theo phải làm, phải phát huy vai trò chứ không thể dậm chân tại chỗ, phải tuân thủ các cam kết về chất lượng... Đồng thời, cần phải tăng cường vai trò và sự giám sát của chính quyền cấp xã trong việc phát triển và đánh giá sản phẩm OCOP, có chính sách cụ thể để hỗ trợ.

Để phù hợp với sự phát triển của thị trường và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhất là tham gia phát triển sản phẩm OCOP, các chủ thể kinh tế, HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã từng bước tiếp cận và thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất theo quy trình có kiểm tra, giám sát, sử dụng các loại máy móc, thiết bị hỗ trợ để tạo số lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao.

Mặt khác, trước đây, trong quá trình sản xuất, các hộ mới chỉ tuân thủ quy trình sản xuất theo phương pháp truyền thống, dựa vào kinh nghiệm, chưa có sự thống nhất về kỹ thuật sản xuất... nên chất lượng giữa các hộ không đồng đều. 

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, hiện có 25/30 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã được cơ quan chuyên môn cấp chứng nhận nhãn hiệu, sở hữu nhãn hiệu, sở hữu tập thể, mã số, mã vạch... Song việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chưa được thực hiện đồng bộ, kịp thời. Bởi quy mô sản xuất của các sản phẩm vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa tập trung; việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.

Hoài Thu