Theo đó, nghiêm cấm các hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố sử dụng vỉa hè, không gian công cộng, quán cafe, giải khát, lẩu nướng chỉ được kinh doanh trong nhà.
Các rạp chiếu phim, nhà hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… và các loại dịch vụ khác, hoạt động phải kiểm tra thân nhiệt, bố trí nước sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Người dân không tham dự các lễ hội, đi du xuân, đi đền, chùa, các nghi lễ tôn giáo tập trung đông người. Không đi hàng quán, tổ chức liên hoan, gặp mặt...
TP Thanh Hóa cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sinh sống và công tác trên địa bàn thành phố cùng gia đình và người thân gương mẫu thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch, nhất là việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa có văn bản gửi giám đốc các sở ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo đó từ ngày 27-1, Thanh Hóa đã rà soát gần 30.000 người trở về từ các vùng có dịch, đã tổ chức cách ly tại nhà trên 23.000 người, cách ly tập trung trên 300 người, thực hiện xét nghiệm cho trên 1.500 người.
Thanh Hóa cũng đã phát hiện nhiều người là F1, F2 do có tiếp xúc với các bệnh nhân 2229, 2234 và 2240. Bên cạnh đó, còn nhiều đối tượng nguy cơ khác chưa được rà soát, giám sát tại các địa phương trong tỉnh.
Hiện Thanh Hóa chưa phát hiện bệnh nhân mắc COVID-19, tuy nhiên nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh là rất cao, nhất là khi người lao động từ các địa phương khác trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.
Đăng Khôi