Theo đó, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được triển khai và đẩy mạnh thực hiện trên một số lĩnh vực, đạt kết quả bước đầu quan trọng.
Tuy nhiên, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém như hạ tầng phục vụ chuyển đổi số còn thiếu; tài nguyên dữ liệu số còn ít, chưa đồng bộ, hiệu quả khai thác chưa cao; việc kết nối, liên thông dữ liệu số còn khó khăn.
Do đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo; tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của các ngành, các sản phẩm, các doanh nghiệp và nền kinh tế của tỉnh; tạo nền tảng để thúc đẩy hình thành và phát triển các ngành, lĩnh vực mới, đẩy nhanh tiến trình xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, tiến bộ; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh.
Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số.
Cụ thể, về mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Về chính quyền số: 100% hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ, khai thác từ các cơ sở dữ liệu Quốc gia. 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường mạng và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
100% hồ sơ thủ tục hành chính đủ điều kiện giải quyết trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và trên các phương tiện truy cập (bao gồm cả thiết bị di động). Có 90% người dân, doanh nghiệp trở lên hài lòng với giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất.
Về kinh tế số: Kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025 năng suất lao động tăng bình quân hàng năm 9,6% trở lên. Doanh nghiệp chuyển đổi số chiếm 50% trở lên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế. Về xã hội số: Có 06 huyện, thị xã, thành phố trở lên và 300 xã, phường, thị trấn trở lên hoàn thành chuyển đổi số, theo Bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt 50% trở lên.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Về chính quyền số: 98% người dân, doanh nghiệp trở lên hài lòng với việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước. 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường mạng và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Kinh tế số chiếm 30% trở lên trong GRDP của tỉnh. Giai đoạn 2026 - 2030 năng suất lao động tăng bình quân hàng năm 8,1% trở lên. Doanh nghiệp chuyển đổi số chiếm 80% trở lên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế. Về xã hội số: 100% các huyện, thị xã, thành phố và 80% trở lên các xã, phường, thị trấn hoàn thành chuyển đổi số, theo Bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt 80% trở lên.
Về nhiệm vụ giải pháp, tỉnh sẽ tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể để đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh. Huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hình thành chính quyền số để dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng các đô thị thông minh.
Đồng thời, tập trung phát triển mạnh kinh tế số để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của các ngành, các sản phẩm, các doanh nghiệp và nền kinh tế của tỉnh. Phát triển xã hội số, góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, tiến bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng và bảo mật thông tin trong thực hiện chuyển đổi số.
Hoài Thu