Trước tình hình đó, song song với thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp trong tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng phương án để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Việc tái cơ cấu ngành nghề, thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động... cũng được các doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, nếu dịch còn diễn biến phức tạp và kéo dài thì cũng chưa lường trước được điều gì sẽ xảy ra đối với doanh nghiệp và người lao động.

Tại Thanh Hóa, người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng so cùng kỳ.Tại Thanh Hóa, người lao động đến TT Dịch vụ việc làm làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng so cùng kỳ.

Thực hiện chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Thanh Hóa về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng như bảo đảm an sinh xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời gửi công văn hướng dẫn các doanh nghiệp trả lương và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch COVID-19 và công văn hướng dẫn việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Cùng với đó, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền quy định của pháp luật về các trường hợp, điều kiện, thủ tục, hồ sơ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tới tất cả các doanh nghiệp. Hướng dẫn các doanh nghiệp đủ điều kiện lập hồ sơ và đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh xem xét, giải quyết hồ sơ trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa 12 tháng để các doanh nghiệp khắc phục khó khăn.

Mặt khác, cũng yêu cầu đơn vị trực thuộc duy trì việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, đẩy nhanh tiến độ giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho người lao động (trong quý I-2020 Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết, xử lý hồ sơ, làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cho gần 3.400 lao động (tăng khoảng 4% so cùng kỳ)).

Ngoài ra, để cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và ứng phó với đại dịch, các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai các phương án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh, người lao động khắc phục khó khăn trong đại dịch.

Tính đến ngày 9/4, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa đã rà soát có 4 doanh nghiệp giảm lao động thường xuyên; dự kiến tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất 3 tháng cho 6 đơn vị. Các doanh nghiệp có 50% số lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn. Bưu điện tỉnh Thanh Hóa thực hiện việc chi trả trợ cấp xã hội gộp 2 tháng 4 và 5 cho các đối tượng bảo trợ xã hội để chi trả 1 lần. Với đối tượng từ 80 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng sẽ được nhân viên bưu điện chi trả tận nhà.

Cùng với đó, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Các tổ chức tín dụng sẽ tiết giảm chi phí để cho khách hàng vay mới với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5% đến 1,5%/năm. Những doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được xem xét cho vay mới nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hiện các doanh nghiệp và người dân đang mong các bộ, ngành sớm triển khai các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Hoài Thu