Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. (Ảnh: minh họa)

Năm 2021, du lịch Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đón được 11,9 triệu lượt khách; tổng thu du lịch là 22.858 tỷ đồng. Song, ngay trong những ngày đầu năm, đại dịch Covid-19 tái bùng phát tại một số tỉnh/thành trong cả nước, khiến các tour du lịch mùa xuân (trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu) đều bị hủy.

Đặc biệt, ngay sau khi khai trương mùa du lịch biển là đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch khiến các chương trình, kế hoạch phát triển, kích cầu du lịch cũng gần như bị đóng băng. Điều này đã gây ảnh hưởng tiêu cực cho ngành du lịch tỉnh nhà trong năm 2021, khác với năm 2020, khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức một loạt chương trình kích cầu du lịch, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn. Điển hình là tổ chức công bố tour du lịch về miền di sản Ninh Bình - Thanh Hóa và phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa; tổ chức xúc tiến, giới thiệu đường bay và các chương trình du lịch kết nối Thanh Hóa với các tỉnh/thành phố có chung đường bay qua Cảng Hàng không Thọ Xuân... Do vậy, dù gặp rất nhiều trở ngại khiến các chỉ tiêu tăng trưởng đều giảm, song kết thúc năm 2020, du lịch vẫn cán đích với con số 7.341.000 lượt khách và 10.394 tỷ đồng tổng thu từ du lịch.

Năm nay, để đảm bảo việc thực hiện mục tiêu kép nên tỉnh Thanh Hóa đã hạn chế tối đa giãn cách xã hội trên diện rộng, điều này tạo điều kiện để các khu, điểm du lịch vẫn mở cửa đón khách, với yêu cầu tiên quyết là bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Đây cũng là cơ sở để ngành chức năng, chính quyền các địa phương từng bước triển khai các hoạt động truyền thông du lịch, đặc biệt truyền thông trên mạng xã hội và tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, gắn với thông điệp “Thanh Hóa - điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn”. Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực từ các địa phương và doanh nghiệp để duy trì và phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa và có khả năng cạnh tranh; xây dựng các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm bổ trợ (du lịch đêm, du lịch nông nghiệp...).

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao; quan tâm phát triển lao động du lịch cộng đồng; chú trọng văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch... Từ đó, vừa bảo đảm phát triển du lịch an toàn, thích ứng với tình hình mới, vừa sớm phục hồi ngành du lịch nhằm đạt được cao nhất các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch năm 2021.

Hoài Thu