Xây dựng công trình chưa giấy phép
Theo đó, ngày 3/12/2019 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định số 5112 QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu tại xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đổng, quy mô rộng 47.000 m2, công suất thiết kế 5 triệu đôi/năm, thời gian hoạt động dự án là 50 năm.
Mục tiêu dự án nhằm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động và phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Tại Quyết định này, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ đầu tư là Công ty TNHH đầu tư xây dựng và phát triển Lam Kinh (Công ty Lam Kinh) địa chỉ tại Khu đô thị Bình Minh, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa có trách nhiệm thực hiện dự án theo đúng chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành các thủ tục về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất và ký quỹ đảm bảo dự án theo quy định.
Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo UBND xã Đồng Tiến giữ nguyên hiện trạng khu đất khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất, giao đất.
Trên cơ sở đó, ngày 4/2/2021 phía UBND huyện Triệu Sơn ban hành văn bản số 654/TB-UBND về việc thông báo thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng nhà máy gia công giày dép xuất khẩu tại xã Đồng Tiến.
Dự kiến thời gian điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm là 90 ngày kể từ ngày có thông báo thu hồi đất.
Thế nhưng, rất bất ngờ khi theo xác nhận của ông Đồng Văn Nghĩa- Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến thì phía Công ty TNHH đầu tư xây dựng và phát triển Lam Kinh đã bắt đầu xây dựng, san lấp mặt bằng từ tháng 12/2020(?).
Như vậy, mặc dù chủ đầu tư chỉ có trong tay văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của tỉnh Thanh Hóa và đang thiếu hàng loạt giấy tờ pháp lý quan trọng khác, nhưng không hiểu vì lý do gì mà dự án vẫn được triển khai xây dựng rầm rộ, bất chấp các quy định của pháp luật.
Theo ông Nghĩa, ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân và phát hiện ra sự việc, vào ngày 3/12/2020, UBND xã Đồng Tiến đã thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra thực địa tại vị trí khu đất san lấp của công ty Lam Kinh thuộc thôn Trúc Chuẩn 2.
Kết quả kiểm tra cho thấy, phía công ty đang tiến hành san lấp mặt bằng tại vị trí công ty xin thuê đất để xây dựng nhà máy gia công giày dép xuất khẩu tại xã Đồng Tiến. Khối lượng đất san lấp 1.500 mét khối.
Về hồ sơ pháp lý, công ty mới chỉ được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và công ty mới thỏa thuận với người dân về việc nhận tiền đền bù để thực hiện dự án. Và hồ sơ pháp lý để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng hoa sang đất phi nông nghiệp và hồ sơ thu hồi đất công ty vẫn chưa phối hợp với các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện. Do vậy, phía UBND xã Đồng Tiến đã đề nghị công ty dừng việc thi công để hoàn thiện hồ sơ pháp lý trước khi thực hiện dự án theo quy định pháp luật.
Vài ngày sau, UBND xã Đồng Tiến lại tiếp tục ra Thông báo số 695/TB-UBND ngày 06/12/2020 về việc đề nghị dừng việc san lấp mặt bằng khi chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với công ty Lam Kinh.
Tiếp theo đó, ngày 25/03/2021, UBND huyện Triệu Sơn có văn bản số 1276/QĐ- XPVPHC đối với công ty Lam Kinh về hành vi vi phạm hành chính: Tổ chức thi công xây dựng công trình nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu tại xã Đồng Tiến khi chưa được cấp giấy phép xây dựng.
Hành vi vi phạm này bị xử phạt hành chính với số tiền là 40.000.000đ (Bốn mươi triệu đồng chẵn) và áp dụng biện pháp khắc phục là phía công ty phải dừng thi công công trình và hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.
Dù đã có hàng loạt thông báo, quyết định xử phạt, yêu cầu tạm dừng thi công, tuy nhiên, phía chủ đầu tư vẫn bỏ qua tất cả các văn bản nói trên để ồ ạt thực hiện việc san lấp mặt bằng, xây dựng tường rào cao khoảng 3m bao quanh khu đất rộng 47.000 m2. Bên trong tường rào đã cho ép cọc bê tông, tập kết vật liệu xây dựng để tiến hành thi công dự án.
Tại thời điểm làm việc với PV vào ngày 7/4, dù phía chủ đầu tư cũng như lãnh đạo UBND huyện Triệu Sơn khẳng định, ngay khi có quyết định xử phạt (QĐ số 1276/QĐ- XPVPHC ngày 25/03/2021- PV) và yêu cầu tạm dừng thi công thì phía công ty Lam Kinh đã chấp hành nghiêm chỉnh.
Nhưng trái với đó, theo ghi nhận thực tế của PV và được nhiều hộ dân sống xung quanh nhà máy phản ánh, cũng như xác nhận của vị Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến thì trong thời gian công trình bị cấm thi công, phía công ty Lam Kinh vẫn cho thi công rầm rộ, huy động nhiều máy móc, máy cẩu đến công trường để xây dựng, và đã lắp gần hoàn thiện một nhà khung thép kiên cố bất chấp các “lệnh cấm” đã được ban hành.(!)
“ Cái này chúng tôi đã giao cho phía Công an xã kiểm tra, giám sát vì bên đấy (doanh nghiệp- PV) lợi dụng vào ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật để xây dựng, công an đã yêu cầu di dời máy móc, máy cẩu đi nhưng hiện tại vẫn đang có một máy cẩu chưa di dời mà để ngay bên cạnh …”- Ông Nghĩa nói thêm.
Liệu sai phạm sẽ được “hợp thức hóa” ?
Trong buổi làm việc với PV, ông Nông Bá Dũng- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Sơn xác nhận có việc công ty Lam Kinh xây dựng công trình không phép khi chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Dũng cũng cung cấp cho PV một số hồ sơ liên quan đến dự án xây dựng công trình nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu tại xã Đồng Tiến như: Thông báo số 1326/TB-STC-QLCSGC của Sở Tài Chính Thanh Hóa ban hành ngày 19/03/2021 về việc nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa đối với diện tích 42.685,5 m2; Quyết định số 1251/QĐ-UBND huyện Triệu Sơn ngày 24/03/2021 về việc thu hồi 4.284,3 m2 đất (Bao gồm đất giao thông: 3.152,0 m2; đất thủy lợi: 1.132,3 m2) để thực hiện dự án.
Còn với đại diện công ty Lam Kinh thì cho biết, sau khi có Quyết định xử phạt của UBND huyện Triệu Sơn về việc tổ chức thi công xây dựng công trình nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu tại xã Đồng Tiến khi chưa được cấp giấy phép xây dựng, phía công ty đã cử ngay một số cán bộ nhân viên của công ty làm việc và phối hợp với các cấp chính quyền để hoàn thiện các hồ sơ pháp lý cần thiết. Dự kiến, sau khi hoàn thiện xong giấy tờ, công trình sẽ tiếp tục được triển khai theo kế hoạch.
Việc cố tình “đi tắt”, bỏ qua hàng loạt giấy tờ pháp lý quan trọng để ngang nhiên tiến hành xây dựng công trình của Công ty Lam Kinh đã gây bức xúc trong dư luận.
Lê Nam- Hoài Thu