Theo đó, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan nhanh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng trong cuộc họp khẩn chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh vào ngày 9/3, đã yêu cầu các cấp chính quyền cần có thái độ ứng xử tình huống như diễn biến dịch bệnh tại Hà Nội, vừa cương quyết, nhưng phải bình tĩnh, không chủ quan, mục tiêu là không để dịch lây lan trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, luôn chủ động trong mọi tình huống, thực hiện nghiêm phương châm 4 tại chỗ.

Nhất là đối với công tác đáp ứng phòng chống dịch, cần kích hoạt một số nội dung liên quan đến phòng chống dịch lên cấp độ 2, nhất là công tác giám sát, kê khai y tế, công tác hậu cần. Theo đó, các cơ sở điều trị cần phân luồng điều trị các trường hợp nguy cơ để trách lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Về công tác tuyền thông, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh kịch bản tuyên truyền, xây dựng các kịch bản tuyên truyền tương ứng với các cấp độ tình huống dịch bệnh, nguyên tắc xử lý không chủ quan. Cần công khai, minh bạch thông tin để người dân nắm bắt nhằm chủ động phòng, chống dịch; Sở Y tế thiết lập đường dây nóng để người dân khai báo tình hình sức khỏe, trong đó bố trí cán bộ có chuyên môn để tư vấn cho người dân các biện pháp phòng, chống dịch.

Ảnh minh họa.Ảnh minh họa.

Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu tham mưu cho tỉnh giải pháp nhằm triển khai hiệu quả việc học tập của học sinh và tổ chức các hội nghị, cuộc họp theo hình thức trực tuyến.

Công an tỉnh tăng cường xử lý các đối tượng đưa thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang trong dư luận. Đồng thời, thường xuyên cung cấp danh sách số người nước ngoài nhập cảnh vào Thanh Hóa để nắm chắc đối tượng cần cách ly. UBND cấp huyện rà soát, báo cáo phương án cách ly tập trung; Chủ tịch UBND cấp huyện phải trực tiếp chỉ đạo các công tác này để bảo đảm điều kiện tiếp nhận các đối tượng phải cách ly.

Về công tác giám sát cách ly, tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp có triệu chứng bệnh COVID-19 để theo dõi. Thực hiện ngay một số biện pháp phòng chống dịch trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,... Dừng các hội nghị chưa thực sự cần thiết để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh; khi cần tổ chức hội nghị phải hạn chế thành phần.

Các sở, ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính để hạn chế việc tiếp xúc. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không tổ chức cho cán bộ, nhân viên đi tham quan, du lịch; trường hợp cần thiết phải được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu việc tổ chức cho học sinh học qua mạng, quản lý học sinh qua mạng; nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh phương án tiếp tục cho học sinh THCS, Tiểu học, mầm non nghỉ học hết tháng 3-2020. Cùng với đó, nghiên cứu tham mưu cho tỉnh có chính sách hỗ trợ đối với giáo viên các trường tư thục nghỉ việc trong dịp này.

Ngành y tế nghiên cứu phương án dự trữ thuốc, vật tư; đồng thời, tuyên truyền về việc sử dụng khẩu trang khác, không nhất thiết là khẩu trang y tế cho người dân. Các cơ quan truyền thông đại chúng tăng cường tuyên truyền trong nhân dân khi tổ chức tiệc hiếu, hỉ, cần hạn chế mời khách, nhất là khách ở địa phương khác; khi tổ chức cần có phương án vệ sinh phòng chống dịch; đặc biệt là cán bộ, đảng viên cần gương mẫu thực hiện.

Bên cạnh đó, vị Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tăng cường kiểm soát các phương tiện vận tải hành khách, triển khai khử khuẩn tại các bến tàu, xe, Cảng Hàng không Thọ Xuân và trên các phương tiện giao thông; khuyến khích hành khách đeo khẩu trang và rửa tay bằng chất sát khuẩn.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về cách ly, làm việc theo quy định. 

                                                                                                                                      Hoài Thu