Cụ thể, theo phản ánh của nhiều người dân về Dự án xử lý khẩn cấp đê tả sông Chu (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đoạn K25 đến K34+100 kéo dài hơn 9km trên tuyến đê sông Chu thuộc địa bàn huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa có mức đầu tư 37 tỷ đồng do Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa làm chủ đầu tư có nhiều bất cập.

Điều khiến người dân lo ngại là công trình đang trong thời gian thi công. Nhưng qua theo dõi thì người dân phát hiện ra đơn vị thi công lại dùng đất cát dư thừa, đất bùn làm vật liệu đắp đê. Điều này khiến dư luận tại địa phương đặt nghi vấn liên quan đến chất lượng công trình?

Thanh Hóa: Cần kiểm tra Dự án xử lý đê tả sông Chu 37 tỷ đồng - Hình 1

Lớp đất trong mặt đê cũ khi bóc phong hóa ra có lẫn tạp chất và đá dăm

Những gì người dân phản ánh là có cơ sở. Bởi, khi PV ghi nhận thực tế tại hiện trường, thì dọc tuyến đê đoạn qua xã Thiệu Phúc nhiều vị trí đất bùn kết thành cục, những chỗ đã lu lèn nhưng do mưa xói mòn để lộ ra bên dưới phần đất tạp lẫn cát, đất ruộng.

Có những đoạn, dù nền đất đê cũ không đảm bảo chất lượng thay vì đáng lẽ ra phải được loại bỏ, nhưng không hiểu sao đơn vị thi công vẫn cố tình dùng máy lu lèn lớp đất này để làm trên mặt đê mới? Mặt khác, bên nhà thầu thi công cũng không có biện pháp thoát nước mặt đê, không bố trí các rãnh thoát nước khiến công trình bị xói lở mái nghiêm trọng.

Thanh Hóa: Cần kiểm tra Dự án xử lý đê tả sông Chu 37 tỷ đồng - Hình 2

Xói lở cục bộ trên một số vị trí đê, để lộ lớp đất đá lổn nhổn

Cụ thể, ở đoạn đê từ K32+020-K32+500 thì theo quan sát trực quan của PV thấy đất đào móng tường được tập kết ngay trên mái đê nham nhở.

Đáng chú ý, ngay đoạn từ K31+075- K31+950 đã bóc xong phong hóa và đang thi công đắp đê. Nhưng đất đắp thì bên đơn vị thi công lại tận dụng đất đào đê và móng tường chắn đất.

Dù thực tế, đất thân đê cũ là đất cát, đất bãi sông không thể đủ điều kiện tiêu chuẩn chất lượng để sử dụng lại nhưng bên nhà thầu vẫn không loại bỏ mà cho máy lu lèn lại để đắp đê tiếp, khiến cho phần mái đê đắp dôi biên dù mới chỉ gặp một vài trận mưa đã bị xói lở tại một số vị trí. Để lộ ra lớp đất cũ có lẫn đá dăm, cấp phối của mặt đê cũ.

Thanh Hóa: Cần kiểm tra Dự án xử lý đê tả sông Chu 37 tỷ đồng - Hình 3

Đất lở từ nền đê cũ kém chất lượng, nhưng đơn vị thi công lại tận dụng để đắp vào thân đê mới

Còn tại đoạn từ K30+640-K31+075 có một số vị trí phía bên đơn vị thi công còn rất cẩu thả không tiến hành lu lèn nên bị xảy ra hiện tượng xói lở.

Được biết, dự án xử lý cấp bách đê tả sông Chu đoạn K25- K34+100, huyện Thiệu Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án tại Quyết định số 5275/QĐ-UBND ngày 25/12/2018 và được giám đốc Ban QLDA ĐTXD các công trình Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa phê duyệt thiêt kế bản vẽ thi công dự toán tại quyết định số 131/QĐ-BQLDANN ngày 22/04/2019.

Thanh Hóa: Cần kiểm tra Dự án xử lý đê tả sông Chu 37 tỷ đồng - Hình 4

Dấu hiệu của đơn vị thi công đã dùng đất thải, bùn ruộng để làm nền và đắp đê

Công trình này do Công ty TNHH Hòa Bình thi công theo hợp đồng số 346/2018/HĐXD ngày 26/12/2018 với Ban QLDA ĐTXD các công trình nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa. Công trình do chủ đầu tư tự giám sát thi công xây dựng, kéo dài hơn 9km, được triển khai thi công từ ngày 10/02/2019, dự kiến hoàn thành vào 15/12/2019.

                                                                                                            Lê Nam - Hoài Thu