
Đảng, Nhà nước luôn khẳng định nông nghiệp là lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế, do đó, việc phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
Trước đó, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 (lần thứ 6) với chủ đề “Khơi dậy khát vọng làm giàu để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới” được tổ chức hồi cuối năm vừa qua càng ý nghĩa hơn, khi cả nước có rất nhiều khó khăn, biến động của tình hình thế giới, của thiên tai nặng nề, nhưng dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sau khi nghe các ý kiến của đại biểu nông dân và tổng hợp ý kiến của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tại Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận các nhóm vấn đề quan trọng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung giải quyết như: Về thể chế, cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng để tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất, chế biến nông sản; tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật để giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai; các cơ chế, chính sách về vốn tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp...
Tại Thanh Hóa, nhằm hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT, xây dựng các mô hình trình diễn về nông nghiệp, giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, phù hợp điều kiện thực tiễn ở mỗi địa phương, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện hàng trăm loại mô hình, dự án khuyến nông, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Điển hình như năm 2024, đơn vị phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, xã trên địa bàn tỉnh triển khai xây dựng 19/18 mô hình (đạt 105,6% kế hoạch năm) trên địa bàn 44 xã của 21 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, trồng trọt 5 mô hình; chăn nuôi 5 mô hình; lâm nghiệp 4 mô hình; thủy sản 5 mô hình.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn triển khai nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, như mô hình trồng lúa chất lượng cao tại các huyện Thọ Xuân, Nông Cống; nuôi dê tại huyện Mường Lát; nuôi gà an toàn sinh học tại xã Tân Thành (Thường Xuân); nuôi thủy sản tại các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn; mô hình nuôi cá hồng Mỹ, cá chẽm trong ao, hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại huyện Nga Sơn và TP Sầm Sơn; Dự án “Bảo tồn và nhân rộng giống lúa nếp râu bản địa theo hướng hữu cơ” tại làng Rềnh, xã Đồng Thịnh (Ngọc Lặc)...
Trung tâm cũng đã phối hợp với các huyện tổ chức 3 diễn đàn “Khuyến nông @ nông nghiệp”, với nhiều nội dung thiết thực, như: “Giải pháp phát triển cây dưa hấu hiệu quả, bền vững” tại huyện Nga Sơn; “Các giải pháp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững” tại huyện Cẩm Thủy; “Phát triển cây ăn quả theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm” tại huyện Thạch Thành... Đây là hình thức chuyển giao tiến bộ KHKT mới bằng hình thức đối thoại, gặp gỡ của 4 nhà: Nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân. Thông qua hội thảo nhằm giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp một cách hiệu quả và bền vững.
Khánh An