Theo đó, sau gần 04 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tỉnh Thanh Hóa đã từng bước tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ lợi thế của các huyện, thị xã, thành phố và xây dựng, phát triển hàng trăm chuỗi giá trị trong sản xuất, đưa các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, thế mạnh của tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, xây dựng bộ tài liệu tập huấn Chương trình OCOP và triển khai trên toàn tỉnh.

Tính đến hết tháng 03/2022, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức tập huấn cho hơn 7.000 lượt người là cán bộ các sở, ngành, đoàn thể các cấp và đại diện doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể... về quy trình triển khai, cách thức thực hiện Chương trình OCOP. Ngoài ra, văn phòng còn phối hợp tuyên truyền và khuyến khích các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh hiểu, tham gia thực hiện chương trình một cách hiệu quả.

Theo đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá, cho biết: Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa được triển khai từ năm 2018, đã phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của nông dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu riêng của từng địa phương, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn.

Với 196 sản phẩm được công nhận và có hơn 80% sản phẩm OCOP của tỉnh đã được tham gia vào các siêu thị, nhà hàng, hệ thống thương mại hiện đại... doanh thu, lợi nhuận của các sản phẩm đều tăng qua các năm, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh chính là thành quả của quá trình xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả, thiết thực.

Sắp tới, mục tiêu của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá là sẽ giúp sản phẩm OCOP của tỉnh tiếp tục giữ vai trò là trọng tâm của phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn, đồng thời đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm ít nhất 3 sản phẩm OCOP 5 sao, hơn 100 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao.

Có 5 mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch và mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hình thành các trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm...

Hoài Thu