Phó Giám đốc Sở Công Thương, Phùng Đình Ảnh phát biểu khai mạc hội nghị.
Phó Giám đốc Sở Công Thương, Phùng Đình Ảnh phát biểu khai mạc hội nghị.

Hội nghị triển khai chương trình phát triển thương mại tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là hoạt động nằm trong kế hoạch thực hiện chương trình phát triển thương mại giai đoạn 2021-2025 nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các khu vực này, tạo nền tảng phát triển bền vững và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, dành nhiều nguồn lực để ưu tiên phát triển khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, đặc biệt là phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ, nhằm nâng cao đời sống người dân địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định tình hình chính trị - xã hội.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế các vùng đặc biệt khó khăn, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển các vùng khó khăn theo phạm vi quản lý Nhà nước được giao.

Đây là những chương trình đặc thù, hết sức cần thiết, nhằm phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với địa bàn khó khăn này.

Thanh Hóa chú trọng phát triển thương mại tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo
Gian hàng huyện Thường Xuân tại hội chợ Hương sắc vùng cao năm 2023

Tại Thanh Hóa, các địa phương thuộc 11 huyện miền núi và 6 huyện ven biển của tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để kết nối giao thương, phân phối hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn các huyện đã xây dựng được hệ thống 178 chợ, gần 200 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn và hàng chục nghìn cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt, tỉnh đã phát triển được 275 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, qua đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và sức cạnh tranh cho các sản phẩm địa phương.

Song song với đó, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm, tổ chức các hội chợ, chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt Nam và khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử. Những nỗ lực này đã giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo không ngừng tăng trưởng qua từng năm, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh.

Các lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa
Các lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tham quan tại Hội chợ thương mại miền tây Thanh Hóa

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chỉ ra một số khó khăn còn tồn tại như: hệ thống chuỗi phân phối hàng hóa chưa phát triển đồng bộ, nhiều chính sách chưa thực sự phù hợp nên chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư. Các ý kiến cũng đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, như tăng cường hỗ trợ vốn, cải thiện chính sách ưu đãi, xây dựng hệ thống logistics hiện đại, cũng như đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại các khu vực này tăng trưởng từ 9-11% mỗi năm. Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu đặc trưng của địa phương, góp phần tạo sức bật mới cho nền kinh tế khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.

Khánh An