Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng nhiễm mặn
Tỉnh Thanh Hóa đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng nhiễm mặn. (Ảnh: minh họa)

Hiện, những địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang lựa chọn cây trồng, mô hình phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất này, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, mỗi vụ sản xuất, toàn tỉnh này có khoảng 7.000 đến 8.000 ha bị xâm nhập mặn; trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn khoảng 4.775 ha và tập trung tại các huyện: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Quảng Xương, Nông Cống.

Dự báo, những năm tới, tình hình xâm nhập mặn sẽ ngày càng gia tăng cả về diện tích và độ mặn. Do đó, cùng với việc thực hiện các biện pháp hạn chế xâm nhập mặn thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xem là giải pháp hiệu quả, mang tính bền vững cho vùng sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn tại nhiều địa phương.

Tuy nhiên, để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng nhiễm mặn phát huy hiệu quả kinh tế, các địa phương cần tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân trong việc định hướng, lựa chọn các cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu. Đồng thời, xây dựng và thực hiện nghiêm kế hoạch chuyển đổi, tránh việc phát triển tự phát các loại cây trồng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp.

Hoài Thu