Hiệu quả từ thực hiện chương trình OCOP ở nhiều địa phương trên cả nước thời gian qua được đánh giá là khá rõ nét, tạo ra “làn gió” mới trong sản xuất và phát triển nông nghiệp nói chung. Trong đó, khâu mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu được chú trọng, đem lại doanh thu cao cho nhiều sản phẩm.
Theo đó, mỗi địa phương có cách làm khác nhau phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất và phù hợp nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm OCOP.
Với 508 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương có số lượng sản phẩm được công nhận nhiều nhất tại khu vực miền Trung và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, việc phát triển sản phẩm OCOP ở tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, phần lớn hộ sản xuất, kinh doanh đăng ký tham gia Chương trình OCOP có năng lực sản xuất nhỏ lẻ, trình độ và kiến thức quản trị hạn chế, khó thích ứng với cơ chế thị trường. Nhiều chủ thể chưa ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, chủ yếu là sản xuất bán thủ công và thủ công.
Cùng với đó, chưa quy hoạch xây dựng được vùng nguyên liệu để đảm bảo chủ động phục vụ sản xuất hàng hóa; chưa có tính sáng tạo để có những sản phẩm OCOP mới, nhiều sản phẩm có tính tương đồng cao, bao bì mẫu mã thiếu tính sáng tạo, chưa thu hút được khách hàng. Bởi những lý do trên nên các sản phẩm OCOP mang thương hiệu Thanh Hóa khó tham gia vào những thị trường lớn hoặc đã có được thị trường tiêu thụ nhưng vẫn loay hoay khẳng định vị thế, chất lượng và sức cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại.
Trước thực tế đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh đã tổ chức, phối hợp tham gia nhiều hội nghị quảng bá để sản phẩm OCOP có thêm cơ hội kết nối, giao lưu với đối tác tiềm năng. Từ đó, không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới thiết kế, bao bì, xây dựng nhãn mác hàng hóa... mà còn tìm kiếm được các đơn vị tiêu thụ sản phẩm uy tín tại thị trường cả nước. Do đó, các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được đưa ra thị trường thông qua nhiều kênh khác nhau như bán lẻ, trực tuyến, cửa hàng, siêu thị... mang lại doanh thu khá cao.
Để nâng cao tính thị trường cho các sản phẩm OCOP, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã lồng ghép, cân nhắc đối với nguồn kinh phí để hỗ trợ các chủ thể đầu tư máy móc, công nghệ, đổi mới mẫu mã bao bì, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng... nhằm phát triển sản phẩm OCOP có tính cạnh tranh cao.
Cùng với đó, bên cạnh việc trưng bày, bán sản phẩm OCOP tại 22 điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP và những sản phẩm tiềm năng, hằng năm, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hội chợ, các cuộc xúc tiến thương mại để giúp các chủ thể giao dịch, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng và thị trường...
Khánh An