Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo đó, Hội thi được khai mạc vào 20h ngày 21/3, tại Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn (TP Thanh Hóa). Đã có 11 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia hội thi, gồm: Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh.

Các đội sẽ tham gia thi 4 nội dung, gồm: Thi đội tuyên truyền lưu động; thi triển lãm; thi xe tuyên truyền cổ động và thi phát thanh viên cơ sở. Trong đó, nội dung thi tuyên truyền lưu động gồm 2 nội dung: Thi tiểu phẩm thông qua các loại hình nghệ thuật sân khấu, kịch nói, kịch truyền thống hoặc tuyên truyền miệng và thi ca múa nhạc. Trong phần thi xe tuyên truyền cổ động, mỗi tỉnh, thành phố chuẩn bị 01 xe ô tô tuyên truyền lưu động, có thiết kế gọn nhẹ, trang trí cờ, hoa, biển tên, pa nô cổ động, khẩu hiệu, có loa phát thanh...

Phần thi phát thanh viên cơ sở có các nội dung: Tổ chức nghe, chấm chọn tác phẩm truyền thanh thông qua phương tiện lưu trữ âm thanh; phát thanh viên đọc trực tiếp 01 tin hoặc trích đọc 01 đoạn phóng sự.

Cũng trong hội thi, Ban tổ chức phối hợp với Báo Người Lao Động lồng ghép tổ chức Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”, trao tặng 2.000 lá cờ Tổ quốc cho đại diện tỉnh Thanh Hóa; tặng cờ Tổ quốc cho 20 ngư dân tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa và trao biểu trưng Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” đến Ban tổ chức và các tỉnh, thành phố ven biển tham dự hội thi.

Theo quy định của Ban tổ chức, các chương trình, tiết mục tham gia hội thi tập trung vào việc cung cấp thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề liên quan đến biển, đảo. Đặc biệt các nội dung, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” bằng hình thức tuyên truyền lưu động tới đông đảo các tầng lớp nhân dân; đồng thời tuyên truyền những chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hội thi nhằm phát huy tính sáng tạo của các đơn vị tuyên truyền, đặc biệt là loại hình tuyên truyền lưu động về chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam. Đây cũng là sân chơi để các đội tuyên truyền lưu động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam tại đơn vị, địa phương mình.

Hội thi tuyên truyền về chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam khu vực Đồng bằng Sông Hồng và các tỉnh lân cận là hoạt động thiết thực, cụ thể hóa Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 28/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018-2020 và Quyết định số 211/QĐ-BTTTT ngày 14/02/2020 của Bộ trưởng Bộ TT&TT về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam năm 2020.

Theo kế hoạch, hội thi kết thúc vào ngày ngày 23/7. Các tiết mục tham gia tại hội thi sẽ được các đoàn tiếp tục tuyên truyền tại địa phương mình.

Hoài Thu