Tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng
Tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng

Những năm gần đây, bên cạnh huy động nhiều nguồn lực để đẩy nhanh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,... UBND tỉnh Thanh Hóa luôn nỗ lực đổi mới công tác vận động, xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức phù hợp, cụ thể, như: Phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, chương trình đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Thanh Hóa hằng năm; thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đặc biệt tỉnh Thanh Hóa; thành lập Bộ phận hỗ trợ Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa (Japan Desk Thanh Hóa)...

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động đấu mối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc xây dựng các đề án, cơ chế, chính sách để cụ thể hóa Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; tổ chức hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp...

Đồng thời, Thanh Hóa chú trọng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, tăng cường xây dựng mối quan hệ thường xuyên với các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan, tổ chức quốc tế, đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, kết nối với cộng đồng kiều bào Việt Nam tại nước ngoài, trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, vận động các tập đoàn, doanh nghiệp lớn... nhằm thu hút tối đa nguồn lực đến hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Thanh Hóa.

Cùng với việc tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển, trong những năm gần đây, nhiều dự án công nghiệp quan trọng, quy mô lớn được đầu tư, đưa vào hoạt động hiệu quả đã làm thay đổi diện mạo bức tranh công nghiệp của vùng như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Thép Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn I và II... Nhiều sản phẩm công nghiệp có sản lượng trong nhóm dẫn đầu của cả nước, như sản phẩm lọc hóa dầu, xi măng, thép...

Công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hiện toàn tỉnh đã thu hút được hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp trong nước và nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650 nghìn tỷ đồng; trong đó, có 156 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 20 quốc gia trên thế giới, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,6 tỷ USD, là tỉnh đứng thứ 8 của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Tuy đã đạt được nhiều kết quả, chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn những khó khăn, hạn chế, như: công tác xúc tiến đầu tư còn thiếu tính chiến lược, dài hạn; hình thức xúc tiến đầu tư chưa thực sự đa dạng; việc kiên trì đấu mối, “theo đuổi” các dự án đầu tư sau khi tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, quyết liệt; nguồn nhân lực thực hiện công tác xúc tiến đầu tư còn mỏng, năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, kinh nghiệm chưa đáp ứng được yêu cầu; số lượng dự án đầu tư trực tiếp có quy mô lớn, dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ phụ trợ còn hạn chế...

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động, xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước, nhằm kêu gọi các nhà đầu tư từ các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, các quốc gia Tây Âu và các quốc gia phát triển khác, để vừa đẩy nhanh tiến độ lấp đầy khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cùng với đó thông qua sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương, các đối tác chiến lược để tiếp xúc, vận động trực tiếp với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới, có nhu cầu chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ nước ngoài sang Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược, như: trí tuệ nhân tạo (AI), chíp bán dẫn, năng lượng tái tạo, hydrogen...

Tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại với các đối tác truyền thống, các đối tác mới, tiềm năng tại các nước và khu vực Đông Á, Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á (Ấn Độ), châu Âu (Pháp, Đức, Italia, Séc, Hà Lan, Ba Lan...), châu Mỹ (Hoa Kỳ, Canada), châu Úc (Úc, Niu Di-lân)....

Mở rộng quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với chính quyền địa phương các nước, các cơ quan, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư mới cho tỉnh Thanh Hóa; khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính và công nghệ từ người Việt Nam ở nước ngoài trong các lĩnh vực: nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ cao, y tế, đào tạo nguồn nhân lực,... hướng về xây dựng quê hương, đất nước.

Lê Nam